Nếu bây giờ bạn chọn một ngành học và sau đó bạn nhận ra ngành đó không hợp với bạn. Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Có những bạn sinh viên đã bỏ học ngay sau một kỳ học đầu tiên tại trường đại học và quyết định năm sau thi lại, chọn ngành khác. Có bạn đã học tới năm thứ 3 đại học, thậm chí chỉ còn một kỳ học nữa là tốt nghiệp đại học nhưng vẫn quyết định nghỉ vì quá mệt mỏi khi phải theo đuổi một thứ mà mình không thích.
Cái giá phải trả cho việc chọn phải ngành học không phù hợp là sự chật vật trong suốt ba, bốn hay thậm chí năm năm học đại học để qua được những môn học mình không thích, không giỏi, là tâm lý chán nản, nhiều lúc muốn buông xuôi, là sự tự ti về năng lực bản thân, là những lo lắng về tương lai nghề nghiệp.
Có nhiều lý do dẫn đến quyết định lựa chọn ngành học hay nghề không phù hợp. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các em tránh được những ngộ nhận đó.

#1 Chọn ngành, nghề chỉ dựa vào môn học mình đạt điểm cao ở trường.

Trong 3 năm học THPT, Q luôn có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi Sinh của trường. Với sự khuyến khích của gia đình, bạn đăng ký ngành công nghệ sinh học tại một trường đại học danh tiếng. Cả gia đình đều tự hào và trông đợi bạn sẽ tốt nghiệp bằng giỏi và sau này sẽ trở thành một kỹ sư công nghệ sinh học thành đạt. Tuy nhiên, trong suốt 5 năm học ngành này đã có vài lần bạn muốn bỏ giữa chừng. Với bạn không gì chán bằng việc phải dành hàng giờ trong phòng thí nghiệm để làm các thao tác lặp đi lặp lại. Vào học rồi bạn mới biết, ngoài các môn liên quan tới sinh học, bạn còn phải học một loạt các môn học kỹ thuật khác như Cơ-Nhiệt, Điện-Quang, Xác suất thống kê là những môn khiến bạn “vật vã” mới qua được.
Q đã không tìm hiểu kỹ về ngành học mà bạn muốn học để biết chương trình đào tạo ngành đó có những môn học gì và liệu bạn có hứng thú với các môn học đó không. Giờ thì Q biết chắc chắn rằng bạn sẽ không làm công việc của một kỹ sư công nghệ sinh học vì nghề đó không phù hợp với tính cách của bạn – một người thích giao tiếp, thích thuyết phục, thích làm kinh doanh hơn là nghiên cứu khoa học.
Các bạn học sinh lưu ý kiến thức ở trường phổ thông là kiến thức phổ cập tức là ai cũng có thể học được. Còn khi vào đai học, kiến thức theo chuyên ngành là kiến thức chuyên sâu có nghĩa là độ khó sẽ tăng lên và bạn sẽ học cả các môn khác nữa trong một chương trình học. Việc bạn thích môn Sinh, môn Tiếng Anh, môn Toán ở trường phổ thông không đồng nghĩa với việc bạn chắc chắn thích đi sâu vào ngành Sinh học, ngôn ngữ Anh hay Toán học. Để hiểu đúng về một ngành học, các bạn nên tìm hiểu chương trình đào tạo ngành đó có những môn học gì. Trên trang tuyensinhso.vn hiện nay có thông tin chi tiết về hơn 181 ngành học để các bạn có thể tra cứu.

#2 Chọn ngành, nghề theo số đông
Trong 3 năm học cấp 3, H học khá đều các môn và năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Đến khi phải chọn ngành học và trường đại học, H lúng túng không biết nên chọn ngành gì và sau này nên làm gì. H hỏi bạn bè xung quanh và thấy nhiều bạn chọn ngành tài chính-ngân hàng. Thế là cậu cũng chọn ngành này. Tại thời điểm H thi đại học, ngành tài chính-ngân hàng được coi là ngành hot. Thế nhưng sau 4 năm đại học, đến lúc cậu ra trường thì ngành này không còn hot nữa. Sau 5 tháng không xin được việc vào ngân hàng mà cậu muốn, cậu quyết định ứng tuyển công việc bên ngành truyền thông.
Bây giờ, H là cán bộ truyền thông của một tổ chức xã hội. Nếu được chọn lại, H cho biết là cậu sẽ chọn học ngành truyền thông vì cậu nhận ra nghề này cho cậu phát huy khả năng ngôn ngữ.
Nắm bắt được thông tin về xu hướng việc làm là một cơ sở quan trọng trong việc lựa chọn ngành học và nghề nghiệp tương lai. Tuy nhiên, các bạn lưu ý là xu hướng thay đổi theo thời gian. Vì vậy điều quan trọng hơn là hãy chọn nghề phù hợp với năng lực, thế mạnh của bạn.

#3 Chọn một nghề là gắn bó với nghề đó suốt đời
Trong cuộc trò chuyện với một nhóm các bạn học sinh , nhiều bạn chia sẻ với tôi rằng các bạn muốn chọn nghề nào đó ổn định. Ổn định theo ý hiểu của các bạn là không phải chuyển nghề, không phải chuyển nơi làm việc. Với cách nghĩ này, các bạn sẽ loại bỏ phương án các nghề nghe có vẻ “rủi ro”.
Một bạn học sinh lớp 12 cho biết bạn rất thích làm MC truyền hình. Nhưng bạn không dám chọn nghề này vì bạn nghĩ nghề phát thanh viên chỉ dành cho người trẻ, cùng lắm là tới tầm 40 tuổi. Bạn sợ sau đó bạn sẽ thất nghiệp. Bạn không hề biết rằng nếu không làm phát thanh viên, bạn có thể làm biên tập viên và nếu không lên hình thì vẫn còn rất nhiều công việc phía sau máy quay liên quan tới sản xuất nội dung, v.v…
Chúng ta mới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng những thay đổi về bản chất và cơ cấu việc làm đã và đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng chưa từng thấy. Hiện nay hầu như không còn doanh nghiệp nào ký hợp đồng lao động vô thời hạn. Nhiều cơ quan Nhà nước cũng đã bãi bỏ chế độ biên chế (công việc làm cho tới khi về hưu). Khái niệm “ổn định” về nghề nghiệp trong bối cảnh hiện nay cũng trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết.

#4 Chọn một ngành là làm một nghề
“Bạn thích ngành tâm lý học nhưng có lẽ bạn sẽ không chọn ngành này, vì nhiều người nói với bạn là nghề chuyên gia tâm lý ở Việt Nam chưa phát triển.”
“Ngoài việc trở thành chuyên gia tâm lý làm việc ở văn phòng tham vấn tâm lý, bạn có biết nếu học ngành tâm lý học, bạn có thể làm các nghề gì nữa không?” .
Sau khi biết rằng học tâm lý học, bạn có thể làm nhiều hơn một nghề, cụ thể, bạn có thể làm chuyên viên tâm lý học đường, chuyên viên hướng nghiệp, nhà trị liệu bằng nghệ thuật, chuyên gia tâm lý khách hàng, …., bạn ấy hào hứng hơn và bắt đầu tìm hiểu nghiêm túc về ngành tâm lý học.
Năm nay bạn ấy quyết định sẽ học ngành tâm lý và chọn chuyên ngành tâm lý tổ chức nhân sự để sau này có nhiều cơ hội hơn trong khối doanh nghiệp.
Nếu bạn quan tâm tới một ngành học, bạn nên tìm hiểu ngành đó đào tạo các chuyên ngành gì và với mỗi chuyên ngành, bạn sẽ có những cơ hội nghề nghiệp gì sau này để có thêm các lựa chọn.

 #5 Chọn ngành, chọn nghề theo tiêu chí sau này kiếm được nhiều tiền
Mong muốn sau này kiếm được nhiều tiền là một mong muốn chính đáng. Nhưng nếu bạn chỉ đặt tiêu chí đó là cao nhất mà không tính tới yếu tố ngành, nghề đó có phù hợp với tính cách, sở thích, thế mạnh của bạn hay không thì sẽ là một sai lầm.
Sau này khi bạn chính thức đi làm, tính từ lúc bạn tốt nghiệp cao đẳng/đại học, ước tính bạn có khoảng 40 năm làm việc, 50 tuần mỗi năm và 40 giờ mỗi tuần. Việc lựa chọn ngành học sau khi tốt nghiệp THTP là sự đầu tư cho tương lai nghề nghiệp của bạn. Những lựa chọn đúng đắn sẽ mang lại cho bạn cuộc sống thú vị, ý nghĩa hơn và hạnh phúc hơn.

Và bây giờ, hãy phá bỏ những ngộ nhận về việc chọn ngành, chọn nghề các bạn nhé!
Mời cac bạn đọc thêm cac bài viết liên quan

........................................

* Quý phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm và cần tư vấn thêm thông tin chi tiết liên quan đến tâm lý, hướng nghiệp, du học các nước, học bổng, visa,... Xin vui lòng để lại thông tin bên dưới. Các chuyên viên của KEYSKILLS sẽ liên hệ lại với quý khách trong thời gian sớm nhất.
*Địa chỉ: Lầu 5, 74C Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Quận 1
*Hotline: 096 269 1068 - 086 611 6068 (zalo/viber)
*Fanpage: KeySkills ; English for Career; Ba mẹ ơi, con chọn nghề gì? ; Cha mẹ đồng hành cùng con chọn nghề tương lai

 

Đăng ký tư vấn