Trong bài viết “Hãy cảm thông cho những đứa con sáng tạo” tôi đã giới thiệu đến quý cha mẹ nhóm “Nghệ thuật”, một nhóm ngành nghề không được ưa chuộng lắm tại Việt Nam vì gia đình sợ các em sẽ không có được một vị trí tốt trong xã hội nếu theo đuổi nhóm ngành này.

Hướng Nghiệp KeySkills - Hướng nghiệp cho con thuộc nhóm Xã hội

Trong bài viết hôm nay, tôi xin đặc biệt chia sẻ về một nhóm ngành nghề khác mà các bậc cha mẹ cũng lo lắng không kém khi con họ diễn đạt ước muốn theo đuổi. Đó là nhóm ngành Xã hội, bao gồm những công việc liên quan đến giúp đỡ – giúp đỡ con người, động vật, môi trường… Đó là những công việc trong ngành tư vấn, giáo dục, xã hội…

Tôi mong bài viết này sẽ mở ra nhiều gút mắt của quý cha mẹ và các em, để mọi người yên tâm hơn trong chọn lựa của bản thân mình. Vì sự thật là nếu chúng ta muốn thế giới trở nên tốt đẹp hơn, chúng ta rất cần những người có sở thích và khả năng trong nhóm ngành nghề Xã hội được khuyến khích đi theo thiên hướng của họ.

Nhóm Xã hội –  họ là ai?

Như đã chia sẻ trong bài viết “Hãy cảm thông cho những đứa con sáng tạo”, học thuyết Holland về các nhóm sở thích và khả năng nghề nghiệp nói rằng mỗi người chúng ta có thể thuộc vào 1, 2, 3 (hay hơn) nhóm sở thích và khả năng. Khi biết bản thân thuộc về nhóm nào, chúng ta sẽ từ từ tìm hiểu, trải nghiệm, xác định được những kỹ năng mình giỏi tự nhiên, rồi từ đó quyết định con đường nghề nghiệp nào mình nên theo đuổi trong tương lai.

Theo học thuyết Holland, nhóm người thuộc nhóm Xã hội có những đặc điểm như sau

— Họ thích giúp đỡ người khác. Tất cả những điều họ làm đều hướng về một mục tiêu “làm cho người xung quanh mình hạnh phúc”. Và “người xung quanh” ở đây bao gồm người thân trong gia đình, họ hàng xa, hàng xóm, bạn bè trong lớp, bạn bè ngoài lớp, và cả người lạ trên đường họ chưa bao giờ gặp gỡ.

— Họ có khả năng hiểu người khác rất tốt. Họ rất nhạy trong việc cảm được niềm vui, nỗi buồn của người xung quanh.

— Họ dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của người khác, do đó, họ thường muốn giúp người khác vui lên vì lúc đó bản thân họ cũng sẽ hạnh phúc hơn.

— Họ có khả năng về ngôn ngữ; họ diễn đạt tốt ý tưởng của mình; họ có thể truyền đạt kiến thức và giải thích thông tin phức tạp cho người khác một cách dễ dàng.

— Họ có khả năng lắng nghe người khác một cách kiên nhẫn, và rất nhiều khi bạn bè, người quen tìm đến họ chỉ để tâm sự với họ.

Từ rất nhỏ, các bạn trẻ thuộc nhóm Xã hội đã cho thấy các đặc điểm của nhóm này qua những biểu hiện sau nhạy cảm, hay chăm sóc người khác, lo sợ người khác buồn, chiều lòng cha mẹ và bạn bè hơn chiều ý thích của bản thân, lắng nghe tốt, thích các hoạt động công tác xã hội, dễ mủi lòng khi xem phim hay đọc truyện cảm động. Nhóm bạn trẻ này thông thường học rất tốt các môn xã hội như Văn, Sử, Địa, và cũng có khiếu trong việc học ngoại ngữ. Họ có thể cũng học rất tốt các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa dù không thích những môn này lắm vì chiều lòng ba mẹ, (cũng có khi vì họ cũng có năng khiếu ở nhóm này.)

Các em thuộc nhóm này khổ sở nhất trong sáu nhóm Holland trên vì đặc điểm không muốn làm ba mẹ buồn. Vì đặc điểm ấy, họ thường giấu những sở thích và khả năng thật của mình từ khi rất sớm khi “cảm” được rằng ba mẹ có những mong muốn và hướng dẫn nghề nghiệp rất khác với mong đợi tự nhiên của bản thân. Họ cũng là nhóm bị ba mẹ than phiền nhiều nhất vì, “Sao cháu nó đồng ý với tôi là sẽ học “ABC” mà khi học rồi thì lại học không giỏi và nói là không thích hợp. Sao cháu không nói với tôi từ sớm hơn” Và câu mà các em nhóm Xã hội hay tâm sự với tôi trong phòng tư vấn hướng nghiệp cá nhân là, “Ba mẹ luôn nói con được tự do chọn, nhưng sau đó ba mẹ luôn muốn hướng con theo điều ba mẹ muốn, và con không biết sao mà mình không phản đối hay từ chối ba mẹ được, cô ạ.”

Nếu quý cha mẹ nghĩ rằng con mình thuộc nhóm này, điều tốt nhất mà anh chị có thể làm là nói, “Con nên tìm hiểu và chọn ngành nào làm cho con vui vẻ, hạnh phúc, và thành công nhất. Miễn là con thành công và vui vẻ, thì ba mẹ cũng sẽ hạnh phúc. Con phải làm điều tốt nhất cho con, vì đó có nghĩa rằng con đang làm điều tốt nhất cho ba mẹ đó.” Và anh chị phải nói câu này lập đi lập lại suốt thời gian con trưởng thành. Khi con thật sự tin điều đó, con sẽ làm được như vậy.

Xin nói thêm là như tất cả những nhóm Holland khác, người thuộc nhóm Xã hội vẫn có thể thuộc về những nhóm khác trong năm nhóm còn lại, và đặc điểm của nhóm còn lại này sẽ ảnh hưởng đến khả năng và sở thích của họ. Nhưng chính yếu thì ngành đào tạo và nghề nghiệp họ phù hợp phải có những đặc điểm ‘giúp đỡ người và vật khác, tạo sự khác biệt trong cộng đồng, mang làm niềm vui cho người khác, làm việc với con người, lắng nghe cảm xúc và nâng đỡ người khác, truyền đạt kiến thức cho người khác…”

Nỗi lo “Đừng học vì sẽ nghèo”

Trong suốt tám năm công tác trong lĩnh vực hướng nghiệp, tôi gặp rất nhiều các bạn trẻ thuộc nhóm ngành Xã hội. Họ hay tâm sự với tôi rằng họ quyết định học Kinh tế, dù biết trái ngành, để kiếm tiền lo cho gia đình và bản thân. Một ngày nào đó khi họ có đủ tiền rồi, họ sẽ ngưng làm kinh tế và quay sang làm việc thiện, đi làm tình nguyện viên, đi giúp đỡ người khác. Rất nhiều cha mẹ cũng khuyên con cái như vậy. Và điều này rất có lý vì những lý do sau:

— Thực tế của những năm 80 và 90 ở Việt Nam cho thấy nhóm ngành xã hội (giáo viên, chuyên viên tư vấn, cán sự xã hội, hộ lý, y tá, …)  không có thu nhập cao, gần như không đủ lo cho bản thân và gia đình.

— Công việc của nhóm ngành xã hội rất vất vả, áp lực về tinh thần cao, giờ giấc có khi không ổn định.

Vì vậy, tôi hoàn toàn không ngạc nhiên khi cha mẹ và các em quyết định không theo nhóm ngành Xã hội dù bản thân rất yêu thích. Và rất nhiều khi, người theo nhóm ngành này chỉ vì đó là chọn lựa cuối cùng của họ chứ không phải vì họ thật lòng yêu thích hay có năng khiếu. Hãy tưởng tượng điều này đáng buồn ra sao nếu như anh chị phát hiện ra rằng thầy cô dạy con mình, hộ lý trong bệnh viện, chuyên viên tư vấn tâm lý, đã không chọn lựa nghề nghiệp của họ vì sự yêu thích hay khả năng tự nhiên, mà vì đó là chọn lựa cuối cùng của họ.

Vậy các ngành xã hội có tương lai hay không?

Để trả lời câu hỏi này tôi sẽ giới thiệu học thuyết Maslow đến quý cha mẹ. Trong học thuyết này, Maslow nói rằng khi con người thỏa mãn được những nhu cầu căn bản của cuộc sống, họ sẽ có những mong muốn về tinh thần.  Điều này chúng ta có thể thấy dễ dàng trong sự phát triển của xã hội Việt Nam từ những năm 80 đến nay. Ngày xưa, mối quan tâm hàng đầu là đủ ăn, đủ mặc, công việc ổn định. Ngày nay, mối quan tâm hàng đầu là chất lượng cuộc sống, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, sức khỏe tinh thần (tâm lý), sức khỏe thể chất qua việc ăn uống đúng cách và tập thể thao đầy đủ, vv. và vv.

 


Điều này có nghĩa rằng ngày nay và trong tương lai gần, nhóm ngành Xã hội tại Việt Nam đang được đòi hỏi nhiều hơn trong thị trường lao động, dẫn tới việc các em có thể có thu nhập không thua những nhóm ngành khác nếu như các em

— Học đúng năng khiếu và sở thích của mình. Bên trong nhóm ngành Xã hội có rất nhiều ngành nhỏ hơn. Do đó, càng trải nghiệm và tìm hiểu sớm, các em sẽ càng biết sớm chọn lựa nào phù hợp cho bản thân.

— Trau dồi kiến thức chuyên môn thật tốt.

— Xây dựng những kỹ năng tuyển dụng thật tốt, bao gồm khả năng ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, khả năng hiểu rõ bản thân, kiến thức căn bản của ngành thương mại như marketing, tài chính, và kế toán.

— Tạo được mạng lưới chuyên nghiệp tốt, nơi mọi người biết khả năng của các em và nơi các em có thể kết nối với những người chung chuyên ngành có nhiều năm kinh nghiệm hơn.

Thêm nữa, những bạn trẻ học ngành thuộc nhóm Xã hội, khi trau dồi được những kỹ năng kể trên, sẽ không khó khăn gì nếu muốn đầu quân và các lĩnh vực khác như quảng cáo, marketing, du lịch, nhà hàng & khách sạn, dịch vụ khách hàng, cố vấn cấp cao, …

Và cuối cùng là nếu các em chọn những công việc truyền thống của nhóm ngành Xã hội, nghĩa rằng sẽ có thu nhập từ 20-30% thấp hơn nhóm ngành Kinh tế, thì những món quà tinh thần mà người trong ngành này nhận được sẽ đủ cho phần vật chất bị mất đi.

 

Nuôi dưỡng theo sở thích và khả năng tự nhiên

Tôi luôn tin rằng, và nghiên cứu cũng cho thấy rằng, xã hội có chỗ cho mỗi người chúng ta nếu chúng ta hiểu rõ bản thân, phát triển điểm mạnh tự nhiên của mình, làm việc nhóm để người khác bổ sung yếu điểm của mình, luôn học hỏi để tiến về phía trước, cập nhật kiến thức về thị trường lao động để không dậm chân tại chỗ. Để kết bài viết này, tôi mong quý cha mẹ:

— Giúp các em thuộc nhóm Xã hội nuôi dưỡng ưu điểm tự nhiên từ sớm bằng cách để chúng sinh hoạt xã hội, làm công tác cộng đồng (mà ta hay gọi là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng), tham gia hoạt động từ thiện, chăm sóc thú nuôi, vv.

— Lắng nghe và trò chuyện cùng các em để chúng đủ tự tin làm những việc bản thân yêu thích hơn làm vì sợ người khác mất lòng.

— Hỗ trợ các em tìm hiểu, nghiên cứu, đọc sách, xem phim, để hiểu hơn về lĩnh vực các em thích và những nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực ấy trong thị trường lao động hiện tại. Cập nhật thông tin thường xuyên, thảo luận cùng các em để các em thực tiễn trong sở thích của mình.

— Giúp các em hiểu điều quan trọng trong lĩnh vực “giúp người” là các em phải biết giúp đỡ bản thân trước, phải mạnh khỏe, phải đủ tiền lo cho mình và gia đình trước. Do đó, các em phải rất thực tế, nhìn rõ bức tranh tài chính, hiểu rõ mình đang làm quyết định gì thay vì mù mờ tiến về phía trước như ở trên mây, “Con không cần tiền.” Sẽ rất tốt cho nhóm Xã hội nếu họ có kiến thức căn bản về thương mại bên cạnh chuyên ngành của họ.

— Khuyến khích các em xây dựng kỹ năng sống và những kỹ năng mà bất cứ một công dân chuyên nghiệp nào cũng cần trong môi trường làm việc hiện đại, bao gồm kỹ năng giao tiếp với người lạ, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng dùng một ngoại ngữ ngoài tiếng Việt, kỹ năng suy nghĩ tư duy, kỹ năng dùng các thiết bị công nghệ thông tin một cách cân bằng cho cuộc sống, kỹ năng quản lý tài chính của bản thân và gia đình, vv.

Vì quý cha mẹ ơi, xã hội chúng ta đang ở sẽ đẹp hơn nếu nhóm bạn trẻ Xã hội được tự do phát triển và thăng hoa trong lĩnh vực họ yêu thích và giỏi tự nhiên. Chúng ta sẽ ra sao nếu không ai được khuyến khích theo nghề giảng dạy, nếu không có những người chữa lành vết thương tâm lý, nếu không có những hộ lý, y tá đau lòng vì bệnh nhân họ, nếu không có những người xuất sắc trong ngành chăm sóc khách hàng.

Thay vì sợ con cái chúng ta nghèo, hãy cùng chúng tìm cách phát triển toàn diện để chúng vừa có thể làm điều chúng giỏi, thỏa mãn sở thích, vừa có thể lo được tài chính cho bản thân và gia đình.

Nguồn bài viết: Khi con nhạy cảm và giàu tình yêu thương – Hướng nghiệp cho con thuộc nhóm Xã hội của RMIT & Cha Mẹ; Chuyên gia Phoenix Ho & Hướng nghiệp Sông An

 


........................................

* Quý phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm và cần tư vấn thêm thông tin chi tiết liên quan đến tâm lý, hướng nghiệp, du học các nước, học bổng, visa,... Xin vui lòng để lại thông tin bên dưới. Các chuyên viên của KEYSKILLS sẽ liên hệ lại với quý khách trong thời gian sớm nhất.
*Địa chỉ: Lầu 5, 74C Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Quận 1
*Hotline: 096 269 1068 - 086 611 6068 (zalo/viber)
*Fanpage: KeySkills ; English for Career; Ba mẹ ơi, con chọn nghề gì? ; Cha mẹ đồng hành cùng con chọn nghề tương lai

 

Đăng ký tư vấn