​Được coi là ngành quan trọng của nền kinh tế, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng không chỉ đem lại nguồn lợi to lớn đối với quốc gia mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng và đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế bền vững thời kỳ hội nhập. Bài viết này hy vọng giúp các em hiểu hơn về ngành cũng như tiếp thêm đam mê cho các em theo đuổi ngành học đang hot nhất hiện nay – ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là gì?
​Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng (tiếng Anh là Logistics and Supply Chain Management) là ngành nghiên cứu, phát triển và quản lý chiến lược thu mua, vận chuyển và dự trữ nguyên vật liệu, bán thành phẩm và thành phẩm cùng dòng thông tin tương ứng thông qua doanh nghiệp và các kênh phân phối của doanh nghiệp nhằm tối đa hoá lợi nhuận trong hiện tại và tương lai, đồng thời, phối hợp giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nhằm mang đến thị trường sự kết hợp tiện ích và hiệu quả tốt nhất.

Ngành học cung cấp bức tranh toàn cảnh về hệ thống kinh doanh để giúp nhà quản lý đưa ra chiến lược phát triển sản xuất hiệu quả nhất và phân phối hàng hoá đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là lĩnh vực cực kỳ quan trọng đối với hoạt động kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh xuất nhập khẩu, là nghề không thể thiếu trong guồng quay kinh tế.
Học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng ra trường làm gì?
​Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng đang là một trong những ngành hot nhất hiện nay nên cơ hội việc làm của Cử nhân Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng rất tốt. Doanh nghiệp luôn cần nhân viên logistics để đảm bảo dòng chảy của chuỗi cung ứng, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến nước ngoài.

Vì vậy, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng chứa đựng rất nhiề cơ hội nghề nghiệp khác nhau. Cầm trên tay tấm bằng Cử nhân Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng đủ để giúp các em có một khởi đầu tốt đẹp và thăng tiến không giới hạn lên các vị trí quản lý, lãnh đạo trong tương lai.

Cử nhân Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng có thể công tác trong các vị trí sau:

  • Quản trị hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp dịch vụ
  • Tham gia điều hành các tập đoàn bán lẻ, các công ty tư vấn toàn cầu, các công ty cung ứng dịch vụ logistics, các doanh nghiệp vận tải, đại lý vận tải, cảng biển, ICD, cảng hàng không, tổ chức – khai thác – quy hoạch kho hàng…..

Làm việc trong các cơ quan quản lý trung ương và địa phương liên quan tới việc hoạch định chính sách cho hoạt động logistics và chuỗi cung ứng, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học và tổ chức quốc tế có liên quan đến Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

Nhân viên Logistics thường làm những việc sau:

  • Phát triển mối quan hệ kinh doanh với các nhà cung cấp và khách hàng.
  • Tìm hiểu nhu cầu của khách hàng và cách đáp ứng các nhu cầu đó.
  • Điều khiển việc phân phối nguyên liệu, vật tư và thành phẩm.
  • Xây dựng chiến lược nhằm tối thiểu hóa chi phí hoặc thời gian cần thiết cho hoạt động vận chuyển hàng hóa.
  • Đánh giá hiệu quả hoạt động Logistics và xác định các lĩnh vực cần cải thiện.
  • Cung cấp dữ liệu tức thời cho công tác quản lý.
  • Đề xuất các cải tiến cho bộ phận quản lý và phục vụ khách hàng.
  • Cập nhật các công nghệ trong hoạt động Logistics và kết hợp những công nghệ mới vào quy trình.
  • Nhân viên Logistics giám sát các hoạt động thu mua, vận chuyển, kiểm kê, sắp xếp kho và phân phối. Họ có thể chỉ đạo việc vận chuyển nhiều loại hàng hóa, nhân sự, vật tư, bao gồm hàng hóa tiêu dùng thông thường cho đến các vật tư quân sự.
  • Nhân viên Logistics sử dụng các hệ thống phần mềm phức tạp để lập kế hoạch và theo dõi sự vận chuyển hàng hóa. Họ sử dụng các chương trình phần mềm được thiết kế đặc biệt để quản lý các hoạt động Logistics, ví dụ như việc thu mua, quản lý hàng tồn kho hoặc lập kế hoạch cho các chuỗi cung ứng khác và hệ thống quản lý.

Môi trường làm việc của Nhân viên Logistics

28% Sản xuất

22% Dịch vụ chuyên nghiệp, khoa học và kỹ thuật

16% Quản lý doanh nghiệp

9% Thương mại bán buôn

6% Công việc có thể căng thẳng vì hoạt động Logistics có nhịp độ nhanh.

Nhân viên Logistics phải đảm bảo tất cả các hoạt động đều đúng tiến độ và phải nhanh chóng giải quyết bất kỳ vấn đề nào phát sinh. Một số Nhân viên Logistics phải di chuyển thường xuyên đến các nhà máy sản xuất của công ty hay các trung tâm phân phối.

Thời gian làm việc

Hầu hết các Nhân viên Logistics làm việc trong giờ hành chính. Tuy nhiên khi gặp phải vấn đề về giao hàng hoặc các vấn đề Logistics khác, họ có thể phải làm việc thêm giờ để đảm bảo tất cả hoạt động đúng tiến độ.

Làm sao để trở thành một Nhân viên Logistics?

Mặc dù trình độ cao đẳng có thể đáp ứng yêu cầu của nhiều công việc Logistics nhưng các ứng viên ngày càng cần bằng cử nhân để có thể tiến đến các vị trí cao hơn trong công việc.

       1. Trình độ học vấn

Nhân viên Logistics có thể đáp ứng các yêu cầu công việc với bằng cao đẳng trong ngành kinh doanh hoặc kỹ thuật hoặc tham gia các khóa học về Logistics. Tuy nhiên hoạt động Logistics ngày càng trở nên phức tạp, vì vậy nhiều công ty ưu tiên tuyển dụng những ứng viên có trình độ đại học trở lên. Nhiều Nhân viên Logistics hiện nay có bằng đại học hoặc thạc sĩ chuyên ngành kinh doanh, tài chính, kỹ thuật công nghiệp hoặc quản lý chuỗi cung ứng.

2. Các chứng nhận

  • Nhân viên Logisitics có thể nhận được chứng nhận của Hiệp hội Giao Thông vận tải và Logistics Mỹ (ASTL) hoặc Hiệp hội Logistics Quốc tế (SOLE). Chứng nhận được cung cấp bởi mỗi tổ chức đều có những yêu cầu riêng, đòi hỏi sự kết hợp về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc và các kỳ thi phải vượt qua. Mặc dù không phải là yêu cầu bắt buộc nhưng các chứng nhận có thể chứng minh khả năng chuyên môn và hiểu biết sâu sắc của ứng viên về hoạt động Logistics.

3. Kinh nghiệm làm việc

  • Nhân viên Logistics cần có kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động Logistics hoặc kinh doanh. Vì hoạt động quân sự đòi hỏi khối lượng lớn các công việc Logistics nên một số Nhân viên Logistics có thể có được kinh nghiệm làm việc khi phục vụ trong quân đội. Một số công ty chấp nhận kinh nghiệm làm việc nhiều năm của các ứng viên thay cho bằng cấp.

4.  Các tố chất kỹ năng quan trọng

Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành học dành cho những ai yêu thích công việc năng động, hiện đại, mong muốn phát triển bản thân, dám sống và dám trải nghiệm.
​Logistics là một ngành đa dạng với rất nhiều phân ngành nhỏ, giúp cho ngày làm việc của các em vừa thú vị vừa thách thức và không ngừng làm mới bản thân. Các em sẽ được học về các ngành khác nhau và chức năng của chúng. Các em có thể làm cho những tổ chức lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận. Tất cả đều là lựa chọn do các em đưa ra, sao cho phù hợp với nguyện vọng của bản thân cũng như định hướng phát triển nghề nghiệp.

  • Hiện nay, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng đang thiếu nhân lực nên áp lực công việc rất cao, đòi hỏi các em phải chịu được áp lực công việc lớn.
  • Kỹ năng giao tiếp. Nhân viên Logistics cần có kỹ năng giao tiếp tốt để có thể hợp tác với các đồng nghiệp và làm việc với các nhà cung cấp và khách hàng.
  • Kỹ năng tư duy phân tích. Nhân viên Logistics cần phải xây dựng, điều chỉnh và thực hiện thành công các kế hoạch Logistics, đồng thời phải tìm cách cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả công việc.
  • Kỹ năng tổ chức. Nhân viên Logistics phải có khả năng đảm nhận nhiều nhiệm vụ cùng một lúc, giữ hồ sơ chi tiết và quản lý cùng lúc nhiều dự án với nhịp độ làm việc nhanh.
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề. Nhân viên Logistics phải xử lý các tình huống bất ngờ, ví dụ như vấn đề giao hàng, và phải điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết để giải quyết các vấn đề đó.
  • Thái độ làm việc chuyên nghiệp, dễ thích nghi với những thay đổi về văn hoá và có vốn ngoại ngữ tốt. Tuy nhiên, nếu như hiện tại ngoại ngữ của các em còn hạn chế thì các em có thể trau dồi trong quá trình học đại học và điều này chúng ta hoàn toàn có thể làm được.

Triển vọng của ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng
​Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi năm 2021 do Agility công bố cho thấy Việt Nam tiếp tục tăng 03 bậc xếp hạng so với năm 2020, vượt Thái Lan và đứng thứ 8 trong số 50 thị trường mới nổi. Đồng thời, ngày 22/02/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 221/QĐ-TTg, mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%. Điều đó cho thấy, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có triển vọng phát triển rất rộng mở.


​Mặt khác, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành có công việc rất đa dạng với mức lương cạnh tranh so với các ngành khác, không khó để Cử nhân Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tìm được một công việc khi mới ra trường với mức lương từ khá trở lên. Theo công bố của Công ty TNHH Robert Walters Việt Nam - thuộc một trong những nhà tuyển dụng hàng đầu thế giới Robert Walters, mức lương của những người làm trong lĩnh vực logistics hiện nay khá cao và không ngừng tăng lên theo từng năm do nguồn nhân lực logistics đang thiếu trầm trọng cũng như nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của logistics ngày càng cao nên những người được đào tạo và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này luôn là “điểm ngắm” của các doanh nghiệp. Cũng theo số liệu công bố trong Vietnam Salary Guide 2019 của FirstAlliances, mức lương trung bình của nhân lược logistics tại TP. Hồ Chí Minh ở vị trí nhân viên dao động từ 500 USD – 1.500 USD/tháng (tương đương 11.500.000 đồng - 35.000.000 đồng/tháng) và cấp quản trị từ 800 - 5.000 USD/tháng (tương đương 18.500.000 đồng - 115.000.000 đồng/tháng).

 

XEM THÊM CÁC THÔNG TIN LIÊN QUAN KHÁC TẠI ĐÂY

1. CHÂN DUNG NGHỀ NGHIỆP: NGHỀ HEADHUNTER

2. Business Analyst (BA) là gì?

 


........................................

* Quý phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm và cần tư vấn thêm thông tin chi tiết liên quan đến tâm lý, hướng nghiệp, du học các nước, học bổng, visa,... Xin vui lòng để lại thông tin bên dưới. Các chuyên viên của KEYSKILLS sẽ liên hệ lại với quý khách trong thời gian sớm nhất.
*Địa chỉ: Lầu 5, 74C Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Quận 1
*Hotline: 096 269 1068 - 086 611 6068 (zalo/viber)
*Fanpage: KeySkills ; English for Career; Ba mẹ ơi, con chọn nghề gì? ; Cha mẹ đồng hành cùng con chọn nghề tương lai

 

Đăng ký tư vấn