Có thể trong công việc bạn cũng đã phải viết những bản báo cáo năm, về các dự án bạn thực hiện, hoặc về những gì bạn đã học được cho bản thân. Nhưng đừng vì thế mà bỏ qua một bản tổng kết năm của chính bạn, dành cho chính bạn nhé. Bởi vì bản tổng kết này sẽ không chỉ có công việc, nó còn là bức tranh tổng thể về toàn bộ hành trình cá nhân của bạn trong năm qua trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Một bản tổng kết tốt sẽ hướng về tương lai, đưa ra những suy nghĩ về việc 12 tháng qua bản thân bạn đã làm gì để xây dựng tương lai mà bạn muốn đạt được, hoặc nói cách khác, nó giúp bạn trả lời câu hỏi “Những lựa chọn của tôi có đang giúp tôi xây dựng cuộc sống mà tôi mong muốn không?”

Vì sao bạn nên viết tổng kết năm

  • Định luật đỉnh điểm-kết thúc

Định luật đỉnh điểm-kết thúc (peak-end rule) là một khái niệm trong tâm lý học. Định luật này cho rằng ký ức của chúng ta về những trải nghiệm tích cực hay tiêu cực không phải là trung bình cộng của tất cả những cảm xúc chúng ta đã trải qua trong trải nghiệm đó, mà phụ thuộc vào hai thời điểm: ở đỉnh điểm và ở cách trải nghiệm đó kết thúc. Vì vậy, nếu chỉ nhìn lại về một năm vừa qua mà không dành thời gian tổng kết chi tiết, rất có thể ta sẽ bỏ lỡ nhiều cảm xúc và bài học đáng giá.

  • Khoảng thời gian phản tư quý giá

Một năm có gần 9000 giờ đồng hồ, nhưng có bao nhiêu giờ trong số đó chúng ta dành để suy ngẫm cho riêng mình? Tự suy tư là một trong những loại công việc mặc dù quan trọng nhưng lại không cấp thiết, khiến cho ta luôn trì hoãn nó và thay bằng các công việc gấp rút hơn. Kết quả là ta thường hành động một cách tự phát, theo thói quen, và ít rút ra được bài học từ những sự việc đã xảy ra. Hãy dành 1 đến 2 tiếng đồng hồ trong những ngày cuối năm để tìm về với bản thân, tìm ra những bài học mà năm vừa rồi đã dạy cho ta. Biết đâu, đó chính là bước hành động cần thiết để đưa ta đến với công việc mà ta thật sự đam mê, hay một mối quan hệ đích thực?

  • Ăn mừng những thành tựu

Một cách bản năng, chúng ta luôn có xu hướng tập trung vào những thứ tiêu cực thay vì tích cực. Chúng ta luôn nhớ rất rõ những lần mình đã không kịp phản hồi một kẻ bắt nạt, những cơ hội tuột khỏi tay, hay những mối tình đáng ra có thể khác. Kể cả khi ta đạt mục tiêu, ta cũng nhanh chóng quên đi cảm giác chiến thắng để tiếp tục đặt ra những mục tiêu mới. Vì vậy, bản tổng kết năm sẽ là cơ hội để bạn chiêm nghiệm những thành công của mình. Hãy cho bản thân được phép ăn mừng những việc tốt bạn đã đạt được trong năm nay, cho dù nhỏ hay lớn nhé.

  • Tìm ra cơ hội để phát triển

Có những lúc ta tránh việc suy ngẫm bởi vì thẳm sâu bên trong ta sợ những gì mình có thể tìm thấy. Cái cảm giác rằng một năm qua đã trôi qua trong lãng phí khiến ta đắm chìm trong hối tiếc hoặc đơn giản là nhắm mắt ngó lơ những gì đã xảy ra, và tiếp tục đặt ra những mục tiêu cao vời cho năm mới. Chắc chính bạn cũng biết rằng cả hai cách này đều không tốt cho việc thành thực với bản thân và tìm ra cơ hội để phát triển phải không?

Thay vào đó, hãy nhìn lại về năm qua một cách khách quan nhất. Hãy như một nhà khảo cổ hăng hái tìm hiểu về những sự việc đã qua thay vì phán xét chúng. Hãy dùng bản tổng kết năm của bạn để thật sự tìm câu trả lời cho câu hỏi “tại sao” và tìm ra cơ hội để làm mọi thứ khác đi vào năm tới. Có thể bạn sẽ tìm ra rằng việc bị thiếu ngủ đã khiến bạn không đạt mục tiêu trong công việc, hay những dư chấn từ một năm đại dịch kinh hoàng khiến bạn không thể tập trung vào các mối quan hệ cá nhân. Đối diện với những yếu điểm của bản thân chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng khi tổng kết về năm qua, hãy nhớ: luôn tò mò, đừng phán xét.

  • Đưa ra những mục tiêu thực tế hơn

Chúng ta luôn nghĩ rằng cần phải đặt ra mục tiêu lớn lao để bản thân cố gắng, điều đó không sai, nhưng đồng thời những mục tiêu này cũng cần dựa trên dữ kiện thực tế. Đánh giá một năm đã qua giúp ta nhìn nhận một cách thành thật về những mốc đã đạt được, và từ đó đặt ra những cái đích hợp lý. Nếu năm qua bạn tới phòng gym 50 lần, thì đặt mục tiêu nhân đôi con số này vào năm tới có lẽ không phải là điều gì đó quá bất khả, nhưng đặt mục tiêu đi tập cả 365 ngày thì lại là chuyện khác, bạn đang sắp đặt để mình thua cuộc và mất động lực ngay từ những tháng đầu. Chính vì thế, tổng kết năm cũ sẽ giúp ta đặt ra những mục tiêu năm mới đủ tham vọng, nhưng cũng đủ thực tế, để hi vọng ta vẫn còn động lực theo đuổi chúng ngay cả vào những tháng cuối năm.

Vậy viết tổng kết năm như thế nào?

  • Tổng kết theo từng tháng

Bạn có thể đi qua từng tháng của năm, tốt nhất với một cấu trúc chung để không bỏ lỡ bất cứ điều gì trong tháng đó. Các cấu trúc bạn có thể tham khảo theo các cách dưới đây nhé.

  • Tổng kết theo từng chủ đề

Bạn có thể chia tổng kết năm của mình ra thành các chủ đề, chẳng hạn như:

  • Công việc/Nghề nghiệp
  • Sức khoẻ / Luyện tập
  • Tài chính
  • Gia đình
  • Tình yêu/Hẹn hò
  • Tình bạn
  • Vui chơi/Giải trí
  • Nhà cửa/Môi trường xung quanh
  • Phát triển bản thân

Tổng kết theo những gì đạt được, chưa đạt được

Bạn cũng có thể chia bản tổng kết năm của mình thành các mục như thành tựu, thất bại, bài học với các câu hỏi gợi ý như dưới đây nhé:

  • Điều gì đã diễn ra đúng như mong đợi của bạn? (những thành tựu lớn nhất, những gì bạn tự hào)
  • Điều gì đã không diễn ra giống như bạn dự định?
  • Bạn đã học được gì?
  • Trên thang điểm từ 1 đến 10, bạn đánh giá mức độ hài lòng của mình với năm qua ở mấy điểm?
  • Mục tiêu bạn đặt ra cho năm tới là gì? (Nếu bây giờ là 31/12 của năm tới, bạn sẽ đạt được điều gì rồi? Bạn cần gì để đạt 10 điểm hạnh phúc vào cuối năm sau?)
  • Những thói quen mới nào bạn cần tạo được để đạt được những mục tiêu ở trên?
  • Đâu là những bước đầu tiên bạn có thể làm ngay để biến mục tiêu thành hiện thực?

Tổng kết dựa trên những gì bạn đã dung nạp

Nếu bạn là người thích đọc sách/xem phim/nghe nhạc và đây là những thứ quan trọng với bạn, bạn cũng có thể thêm một phần “Nội dung” vào bản tổng kết của mình để nói về những cuốn sách bạn đã đọc, những bộ phim bạn thấy ấn tượng, hay những bản nhạc để lại tác động sâu sắc tới bạn, kèm theo đó là danh sách những sách/phim/bài nhạc mà bạn muốn mình tìm hiểu trong năm tới chẳng hạn.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng, với một cách tiếp cận đúng đắn, bạn có thể biến ngay cả một năm thảm hoạ thành một bài học có giá trị lớn lao cho những năm tiếp theo của cuộc đời mình. Và cũng đừng quá căng thẳng, nếu bạn đang không ở trong vị trí có thể đưa ra những thay đổi to lớn trong cuộc đời, thì những bước nhỏ thôi cũng tốt rồi. Chính bạn có thể cũng sẽ ngạc nhiên bởi những gì mình đạt được đấy.

Ngoài ra, bạn không cần phải đợi đến cuối năm mới làm bản tổng kết. Có thể năm sau, hãy thử tổng kết mỗi tháng một lần xem sao? Và hãy đặt trong lịch của bạn một sự kiện mang tên “Viết tổng kết năm”, nhắc lại vào 30/12 hàng năm, đồng thời chèn link bài viết này vào nhé. Bằng cách này, bạn sẽ không bao giờ quên và chắc chắn bản thân bạn trong tương lai sẽ rất cảm ơn bạn ở hiện tại vì đã tạo được thói quen này đấy.

(nguồn bài viết: Noinoinoi.com)


........................................

* Quý phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm và cần tư vấn thêm thông tin chi tiết liên quan đến tâm lý, hướng nghiệp, du học các nước, học bổng, visa,... Xin vui lòng để lại thông tin bên dưới. Các chuyên viên của KEYSKILLS sẽ liên hệ lại với quý khách trong thời gian sớm nhất.
*Địa chỉ: Lầu 5, 74C Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Quận 1
*Hotline: 096 269 1068 - 086 611 6068 (zalo/viber)
*Fanpage: KeySkills ; English for Career; Ba mẹ ơi, con chọn nghề gì? ; Cha mẹ đồng hành cùng con chọn nghề tương lai

 

Đăng ký tư vấn