Là một ngành công nghiệp sáng tạo, điện ảnh luôn có sức hút tới bất kỳ ai có niềm đam mê quay phim và dựng hình. Nhưng liệu lĩnh vực này có phải là một ngành nghề “bền vững” và những sinh viên tốt nghiệp đều trở thành đạo diễn phim? Hãy cùng tìm hiểu thêm về lĩnh vực đang được các bạn trẻ sáng tạo “săn đón” nhé!

ĐIỆN ẢNH LÀ GÌ?

Điện ảnh là tên gọi chung cho công nghệ tạo ra những thước phim động từ một loạt các hình ảnh tĩnh. Dựng phim là cả một nghệ thuật và ngành công nghiệp lớn. Một bộ phim có thể được tạo ra bằng cách sử dụng máy quay, hoặc nhờ cách chụp các hình vẽ và mô hình tiểu cảnh rồi áp dụng các kỹ thuật làm phim hoạt hình truyền thống, hoặc từ công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính – đôi khi các nhà làm phim kết hợp tất cả các kỹ thuật trên lại với nhau để tạo ra những hiệu ứng độc đáo và mới lạ.

Từ “điện ảnh” (cinema) là từ viết tắt của từ “đạo diễn hình ảnh” (cinematography), thường được dùng để chỉ ngành làm phim. Đây vừa là một ngành công nghiệp giải trí, vừa là một loại hình nghệ thuật. Ngày nay, điện ảnh là nghệ thuật mô phỏng những trải nghiệm để truyền tải ý tưởng, câu chuyện, nhận thức, cảm xúc, vẻ đẹp và tinh thần của bộ phim cho người xem.

BẠN CÓ NÊN HỌC NGÀNH ĐIỆN ẢNH?

Được cống hiến cho nền công nghiệp điện ảnh là mong ước của biết bao bạn trẻ bởi sự thành công trong nghề vừa mang lại danh tiếng, tiền bạc và quyền lực, vừa là môi trường để thoả sức sáng tạo. Tuy nhiên, nghề nghiệp nào cũng có những khó khăn riêng, đặc biệt là với lĩnh vực mang tính cạnh tranh cao như điện ảnh.

Thay vì bỏ ra nhiều tiền cho những dụng cụ quay phim xa xỉ, các “nhà làm phim” mới học nghề nên tập làm quen với điện ảnh bằng thực hành quay phim HD trên điện thoại và các thiết bị điện tử cơ bản và tìm hiểu cách thức dựng phim qua google.

Đạo diễn nổi tiếng Quentin Tarantino từng tiết lộ rằng cách tốt nhất để dấn thân vào điện ảnh là bắt tay vào làm một bộ phim, vì dù bạn có được đào tạo bài bản ở trường điện ảnh thì thành phẩm tốt nghiệp của bạn vẫn là tạo ra một bộ phim.

Tuy nhiên, các trường điện ảnh uy tín vẫn là cái nôi của rất nhiều đạo diễn tên tuổi như Scorsese, Lucas, Lynch, Aronofsky, Bigelow, Coppola… Các ngôi trường này không chỉ dạy làm đạo diễn mà còn có nghề quay phim và viết kịch bản.

Một khoá dạy làm phim được đào tạo bài bản có thể giúp du học sinh khám phá mọi khía cạnh của điện ảnh, thúc đẩy tư duy về lối kể chuyện và ngôn ngữ của bộ phim mà việc tự học không thể dạy bạn. Hơn nữa, du học sinh còn được gặp gỡ và làm việc với các nhà làm phim tài năng ở nước ngoài và có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp tương lai.

CƠ HỘI VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN ĐIỆN ẢNH

Trong bối cảnh xã hội chịu nhiều tác động to lớn từ giới truyền thông, người học về làm phim vừa được làm giàu vốn hiểu biết, vừa có nhiều cơ hội việc làm ở nhiều lĩnh vực liên quan đến phim ảnh, nghệ thuật, báo chí, xuất bản, quan hệ công chúng và giáo dục.

Cũng như những ngành sáng tạo khác, việc sản xuất phim mang tính cạnh tranh khá cao và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm thực tế cũng như sự kết nối của những người trong ngành. Bạn có thể bắt đầu với công việc trợ lý sản xuất và hậu trường để tìm hiểu về quy trình làm việc và tạo dựng các mối quan hệ. Dù nền công nghiệp điện ảnh vẫn ưu tiên cho sự sáng tạo và năng lực nhưng một tấm bằng hay chứng chỉ đại học sẽ giúp bạn dễ dàng phát triển hơn trong lĩnh vực này.

Những công việc tiềm năng cho sinh viên nhóm ngành điện ảnh là:

  • Đạo diễn phim

  • Đạo diễn trường quay

  • Kỹ thuật viên ánh sáng

  • Kỹ thuật viên âm thanh

  • Quản lý trường quay và đạo cụ

  • Phát triển chương trình

  • Trợ lý

  • Nhà sản xuất

Bên cạnh các công ty sản xuất phim và chương trình truyền hình, cơ hội việc làm cũng được trải đều trong các lĩnh vực:

  • Quảng cáo và sáng tạo

  • Từ thiện

  • Kinh doanh

  • Marketing/ Tiếp thị

  • Giáo dục

Ngoài việc đầu quân cho các công ty làm phim danh tiếng, sinh viên còn có thể lựa chọn làm phim độc lập – tự sản xuất ra các bộ phim ngắn và đăng trên Youtube hay Vimeo.

Ở Anh, khoảng 80% sinh viên tốt nghiệp điện ảnh tìm được việc làm trong vòng 6 tháng, số còn lại chủ yếu học tiếp và phát triển dự án cá nhân. Trong số những người có việc làm thì một nửa hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, thiết kế và truyền thông; phần trăm còn lại chuyển hướng qua kinh doanh và các ngành nghề khác.

CUỘC SỐNG CỦA SINH VIÊN ĐIỆN ẢNH

Theo Danny Boyle, “để trở thành nhà làm phim, bạn cần học hỏi không ngừng nghỉ, cuồng nhiệt với đam mê và phấn đấu hết mình. Ai cũng muốn một con đường dễ dàng. Nhưng bạn thì không, bạn cần ‘lăn xả’ nhiều hơn nữa để tạo sự khác biệt.” Tiêu chí cơ bản mà sinh viên điện ảnh cần có là lắng nghe và giao tiếp tốt, ham muốn học hỏi và có đam mê truyền tải thông điệp.

Các thiết bị làm phim có lẽ là thứ thú vị nhất trong quá trình học. Mặc dù bạn có thể quay một bộ phim hay bằng điện thoại hay máy quay cơ bản nhưng chỉ có những thiết bị quay chuyên nghiệp mới mang lại những thước phim tốt nhất. Tuỳ vào mục đích học và nghề nghiệp mà bạn sẽ tập trung nhiều vào lý thuyết hay thực hành. Năm đầu tiên của bạn thường bao gồm các lý thuyết nhập môn điện ảnh. Bạn sẽ được giảng dạy từ những nhà làm phim dày dặn kinh nghiệm theo từng môn học, và được lựa chọn chuyên ngành bao gồm: Quay phim, Biên tập, Âm thanh, Thiết kế sản xuất, Chỉ đạo và Sản xuất.

Bài thi thường là những dự án làm phim nhỏ của các nhóm sinh viên. Đồ án tốt nghiệp sẽ tạo ra một bộ phim dựa trên kiến thức mà bạn tích luỹ được trong toàn bộ khoá học. Những đồ án tốt nghiệp thường được công chiếu vào cuối khoá và được gửi đến các liên hoan phim để thu hút khán giả và giúp sinh viên giỏi “lọt vào tầm mắt” của các nhà tài trợ tiềm năng.

NHỮNG TRƯỜNG ĐIỆN ẢNH NỔI TIẾNG TRÊN THẾ GIỚI

  1. American Film Institute– Mỹ

  2. University of Southern California– Mỹ

  3. Beijing Film Academy– Trung Quốc

  4. New York University Tisch School of the Arts– Mỹ

  5. University of California, Los Angeles– Mỹ

  6. California Institute of the Arts– Mỹ

  7. The Film and TV School of the Academy of Performing Arts in Prague– Cộng hoà Séc

  8. Columbia University School of the Arts– Mỹ

  9. Wesleyan University– Mỹ

  10. The National Film and Television School– Anh

CÁC NƯỚC NỔI BẬT CHO DU HỌC SINH NGÀNH ĐIỆN ẢNH

Du học Mỹ

Mỹ là vùng đất màu mỡ cho cho sinh viên quốc tế muốn theo đuổi con đường điện ảnh với nhiều trường điện ảnh uy tín, nằm hầu hết ở New York và California. Trong khi California là ‘đại bản doanh’ của nhiều hãng phim lớn thì New York lại mở ra cơ hội để phát triển mạng lưới các mối quan hệ nghề nghiệp.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng thông tin trường, thời gian nhập học và yêu cầu đầu vào, bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian (khoảng 1 năm) đầu tư và hoàn thiện bộ hồ sơ xin học của mình. Vì khác với yêu cầu xét tuyển của các đại học thông thường, các trường điện ảnh luôn xem xét sản phẩm nghệ thuật của cá nhân bạn. Chẳng hạn như  trong đơn xin học vào ngành Phim và Truyền hình của trường University of Southern Arts, sinh viên vừa phải gửi một bài luận hay, vừa cần chứng minh năng lực của mình qua các video, hình ảnh, sản phẩm mình từng thực hiện; bên cạnh đó là ba thư giới thiệu, bảng điểm trung học, chứng chỉ ngoại ngữ và các văn bằng khác.

Chi phí học tập tuỳ thuộc vào chương trình và ngôi trường bạn theo học. Học phí có thể giao động từ $5.000 đến $50.000 (đô la Mỹ) mỗi năm. Học phí trung bình hàng năm ở Mỹ vào năm 2016 là $33.215. Các khoá học hầu hết kéo dài bốn năm.

Các nước châu Âu đặt mức học phí khác nhau giữa sinh viên bản địa – công dân khối EU và sinh viên quốc tế, còn các đại học Mỹ thì có mức thu học phí khác nhau giữa sinh viên nội bang và ngoại bang. Một trường đại học công lập sẽ thu học phí nội bang khoảng $9.650 và ngoại bang khoảng $24.930. Học phí trung bình ở các đại học tư là khoảng $33.480 một năm.

Một số đại học Mỹ có dạy ngành Điện ảnh với mức học phí phải chăng như University of North Carolina School of the ArtsUniversity of Texas at AustinFlorida State University College of Motion Picture Arts và University of Wisconsin/Milwaukee.

Du học ở những nước khác

Tuy Mỹ là môi trường học tập ngành điện ảnh tiên tiến nhất thế giới nhưng bạn vẫn có thể lựa chọn những nước khác trên thế giới với mức chi phí mềm hơn và có chất lượng rất tốt.

Chẳng hạn như trường Bejing Film Academy được đánh giá cao về chất lượng giảng dạy và có học phí khoảng $7.000 – $8.000 mỗi năm – thấp hơn nhiều so với các trường ở Mỹ. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng phần lớn chương trình ở đây đều được giảng dạy bằng tiếng Trung.

La Femis là trường điện ảnh uy tín nhất của Pháp và chi phí du học Pháp phải chăng hơn du học ở Los Angeles và New York.

Trường The Polish National Film, Television and Theatre School ở Ba Lan cũng có mức học phí tương đương như ở Pháp và cũng là “lò đào tạo” những đạo diễn danh tiếng như Krzysztof Kieslowski.

 

 


........................................

* Quý phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm và cần tư vấn thêm thông tin chi tiết liên quan đến tâm lý, hướng nghiệp, du học các nước, học bổng, visa,... Xin vui lòng để lại thông tin bên dưới. Các chuyên viên của KEYSKILLS sẽ liên hệ lại với quý khách trong thời gian sớm nhất.
*Địa chỉ: Lầu 5, 74C Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Quận 1
*Hotline: 096 269 1068 - 086 611 6068 (zalo/viber)
*Fanpage: KeySkills ; English for Career; Ba mẹ ơi, con chọn nghề gì? ; Cha mẹ đồng hành cùng con chọn nghề tương lai

 

Đăng ký tư vấn