Thật dễ dàng với vị trí của một người ngoài để nói, "Anh/chị đừng lo lắng nhiều quá. Mọi chuyện sẽ ổn thôi”.
Với tôi chẳng bao giờ nói câu “đừng lo anh/chị ạ” khi gặp các ba mẹ đến chia sẻ về nỗi lo xung quanh quyết định chọn ngành học và nghề nghiệp của con họ, tôi thấu hiểu nỗi lo đó lắm, vì bản thân ngoài vai trò là người cố vấn đồng hành về chuyên môn thì tôi cũng là một người mẹ. Thay vào đó, tôi sẽ lắng nghe họ kể chuyện về nỗi lo của chính mình, nó đến từ đâu, dựa trên nền tảng nào, có lý hay vô lý. Từ từ, ba mẹ sẽ nhẹ nhàng hơn, có khi nghe than thở, ‘Biết là mình căng thẳng quá mà không sao kiềm chế được cô ạ”. Có khi thấy sự thở phào “Nói ra cho cô nhẹ cả lòng dù biết về nhà rồi sẽ lại lo”. Nhưng làm sao có thể không lo khi các quyết định ấy có thể ảnh hưởng đến cả đời của con cái họ sau này.

Hướng Nghiệp KeySkills Góc Nghề Bình An


Lo rồi sợ

Một trong những nguyên tắc hành nghề mà chúng tôi đã luôn chia sẻ là giúp ba mẹ bình an khi hỗ trợ hướng nghiệp cho con. Có khi vài năm nữa thôi ba mẹ sẽ thấy nỗi lo mình không là gì cả, mình chỉ lo ảo thôi. Nhưng ở hiện tại cho đến lúc ấy, nỗi lo không mất đi. Do đó, quyết định hướng nghiệp nên là quyết định mà người trong cuộc (các con và ba mẹ) đều thấy an lòng khi thực hiện.
Khi tư vấn cho các ba mẹ và các con, tôi giúp họ từ từ nhận ra nguyên nhân của nỗi lo. Có phải do đến từ sự thiếu hiểu biết bản thân, do đó sợ chọn sai ngành; hay đến từ việc thiếu thông tin về ngành học/trường học/nơi học, do đó sợ khó thành công trong học hành; hay đến từ việc thiếu kiến thức về thị trường tuyển dụng, do đó sợ sẽ không có việc làm.
Có khi, nỗi lo nằm sâu trong tiềm thức, đến từ lịch sử gia đình khi mà ba mẹ bươn chải từ sớm để lo kinh tế nên luôn mong muốn sự ổn định cho con cái, hay do những tấm gương thất bại đã thấy từ gia đình hay người xung quanh trong quá khứ về 1 nghề nghiệp nào đó tạo thành tư duy đóng kín của ba mẹ đối với nghề nghiệp ấy.
Tôi gọi những điều này là lo rồi sợ. Khi lo sợ thì sẽ chẳng giúp ích được cho các em cũng như ba mẹ trong việc ra quyết định nghề nghiệp. Lo sợ làm cho một người bị đông cứng trong suy nghĩ, thiếu sự sáng tạo và uyển chuyển cần có để tìm ra giải pháp, và nguy hiểm nhất là gây ra hậu quả ‘‘không hành động”.

Lo để liệu

Để giúp cha mẹ, tôi cùng họ chuyển sang trạng thái lo để liệu: "Sợ thật đó anh ạ, làm sao không sợ được"Sợ thật đó anh ạ, làm sao không sợ được"; "Lo thật đó chị ạ, làm sao mà không lo được". Nhưng sau khi lo, mình hãy cùng nhau liệu sao cho nỗi lo bớt đi. Mình hãy cùng nhau nghĩ ra những kế hoạch phòng ngừa để nỗi lo không thành hiện thức. Và mình cũng hay lên luôn kế hoạch dự phòng khi điều mình lo thật sự xảy ra. Và khi đã nghĩ ra các bước để liệu, thì hãy cho phép mình bớt lo, hay tốt nhất là ngừng lo, cho đến tương lai. Nếu làm được điều này, trạng thái lo của ba mẹ sẽ được tạm dừng cho đến khi có lý do để lo tiếp - và ít ra là sẽ an lành trong một khoảng thời gian.

Ví dụ, ba mẹ lo con sẽ bị sốc khi đi du học. Kế hoạch phòng ngừa là giúp con tăng kỹ năng chủ động, kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng học tập trải nghiệm ở môi trường quốc tế bằng cách tham gia các chương trình du học ngắn hạn vào hè/đông, các hoạt động trải nghiêm tập thể, thể thao.... hoặc nếu có điều kiện tài chính hơn thì có thể học tại trường quốc tế trong nước trước khi du học. Đồng thời cùng con tìm hiểu các dịch vụ ở nơi sẽ du học để con biết tìm hỗ trợ khi gặp khó khăn trong học tập, sinh hoạt đúng lúc. Kế hoạch dự phòng là để dành tiền phòng nếu có rủi ro. Trao đổi với con thường xuyên để hỗ trợ tinh thần đúng lúc. Cùng con đọc các nghiên cứu cho thấy sinh viên du học rớt 1-2 môn là chuyện bình thường vì phải làm quen ngôn ngữ, văn hoá, phong cách học khác.

Lo sợ làm người ta căng thẳng. Lo liệu giúp người ta hành động và lên kế hoạch hiệu quả. Lo sợ làm hại sức khoẻ tinh thần, còn lo liệu giúp cho một người tự tin hơn trong khi thực hiện kế hoạch tương lai của họ.

Các anh chị cha mẹ rằng thế hệ 6x, 7x và đầu 8X là thế hệ trưởng thành trong và sau chiến tranh. Do đó, ‘lo' là một kỹ năng sinh tồn được học từ rất sớm. Vào thời các anh chị lớn lên, người ta tập ‘lo' để sống còn và phát triển. Nhưng ở thời nay đã khác rồi, con cái chúng được sống trong đủ đầy, nếu nỗi lo thái quá sẽ trở thành dây trói đôi cánh con cái chúng ta, rất khó để chúng bay và chạm đến nhiều cơ hội, hy vọng, ước mơ.

Do đó, ba mẹ hãy hiểu nỗi lo của mình, chấp nhận chúng, sống cùng chúng, rồi biến chúng từ lo rồi sợ sang lo để liệu. Điều này thật khó, chính bản thân tôi phải học rất nhiều, tập mỗi ngày mà vẫn thỉnh thoảng bị nó tấn công. Nên chúng mình cùng nhau nhắc nhở nhau lo để liệu nhé cả nhà.

Yêu thương,

Nga Tran


........................................

* Quý phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm và cần tư vấn thêm thông tin chi tiết liên quan đến tâm lý, hướng nghiệp, du học các nước, học bổng, visa,... Xin vui lòng để lại thông tin bên dưới. Các chuyên viên của KEYSKILLS sẽ liên hệ lại với quý khách trong thời gian sớm nhất.
*Địa chỉ: Lầu 5, 74C Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Quận 1
*Hotline: 096 269 1068 - 086 611 6068 (zalo/viber)
*Fanpage: KeySkills ; English for Career; Ba mẹ ơi, con chọn nghề gì? ; Cha mẹ đồng hành cùng con chọn nghề tương lai

 

Đăng ký tư vấn