Gen Z – là thế hệ trẻ được sinh ra từ 1996 tới 2010. Lứa tuổi này bao gồm các thế hệ vừa tốt nghiệp đại học và đang lần đầu tham gia thị trường lao động cho tới các con đang chuẩn bị tốt nghiệp Cấp 3, và các con bắt đầu bước vào cấp 2. Đây là thế hệ hứa hẹn sẽ tạo ra sự thay đổi cho tương lai, nhưng cũng là thế hệ khiến Ba mẹ phải “đau đầu".
Nga sẽ chia bài viết về thế hệ GenZ với mong muốn giúp Ba mẹ hiểu con hơn. Từ đó, giúp ba mẹ có góc nhiều đa chiều và khách quan hơn về những đứa trẻ của mình với xu hướng, một đặc tính hay một thói quen khó bỏ của Gen Z.
Trước những đổi thay, lời khuyên tốt nhất dành cho các con có lẽ là “hiểu được mình muốn gì” và “sẵn sàng thích ứng”. Sẽ không còn một con đường lí tưởng mà con có thể bám theo. Sẽ không có quy tắc nào đảm bảo con thăng tiến và phát triển như mình kỳ vọng. Cứ tự do hoà mình vào biển lớn, con sẽ tìm ra được lối đi và tỏa sáng theo cách khiến mình hạnh phúc nhất
Vì sao con tôi thích làm những điều rất “ vô bổ”?
Là cha mẹ của những người trẻ sinh từ năm 1996 đến 2010, chắc chắn bạn sẽ nhận ra một điểm chung của thế hệ này, đó là sự khát khao trải nghiệm, được thể hiện trong từng lựa chọn cuộc sống.
Cha mẹ có thể đã một lần ngạc nhiên tại sao con lại tiêu khá nhiều tiền và xếp hàng vài tiếng đồng hồ trong trung tâm thương mại chỉ để thưởng thức một món lẩu/trà sữa mới hoặc mua một món đồ của một nhãn hiệu mới khai trương.
Có những người trẻ chỉ đơn giản “xách balo lên và đi”, đốt tuổi trẻ trên những cung đường đỏ bụi và chỉ trở về khi làn da đen nhẻm, có thêm vô số người bạn mới và say sưa kể về những “trải nghiệm phải có” ở tuổi đôi mươi. Chuyện này thật mất thời gian.
Các con cá tính hơn trong mọi quyết định của cuộc sống. Thế hệ này không muốn chạy theo các khuôn mẫu của xã hội hay kỳ vọng của cha mẹ, các con sống theo cách mình muốn, theo đuổi những giá trị riêng và hạnh phúc theo cách mình định nghĩa. Ở đó, sống sâu trong từng trải nghiệm độc đáo, thú vị, ý nghĩa có giá trị hơn nhiều so với việc tiết kiệm hoặc mua sắm một món đồ đắt tiền để “thể hiện” với người khác.
Vì thế, trải nghiệm với Gen Z hoàn toàn không phải là phung phí, thiếu suy nghĩ.
Trải nghiệm, với các con, chính là từng bước tạo nên hành trình cuộc sống.
Hãy thử một lần mở lòng để hiểu các con. Sinh ra trong sự quan tâm và đầu tư nhiều nhất của cha mẹ, Gen Z không phải là một thế hệ dễ hài lòng.
Tại sao con tôi muốn” làm việc vì đam mê”?
“Tôi không hiểu sao con tôi cứ thích làm điều mình thích, đi làm là để kiếm tiền chứ thích với ghét gì?" là một trong những băn khoăn mà chúng tôi nhận được nhiều từ các bậc cha mẹ. Thực tế, con có những lí do của riêng mình.
Thứ nhất, phải thừa nhận rằng các con ngày nay có điều kiện sống tốt hơn thế hệ của cha mẹ. Hiếm còn gia đình nào còn cảnh trông chờ vào đồng lương hàng tháng để có ăn, có mặc. Vì thế, cũng không thể bắt các con xem thu nhập như một yếu tố “sống còn” quyết định nghề nghiệp.
Thứ hai, nhiều lựa chọn hơn luôn là một gánh nặng. Bởi các con đã được trao cho những điều kiện tốt nhất, nên các con luôn cảm thấy mình có trách nhiệm cần phải đạt được những thành tích tốt nhất. Tốt nhất ở đây không chỉ là kiếm được nhiều tiền, mà còn là độc đáo nhất, ý nghĩa nhất, hạnh phúc nhất.
Cuối cùng, cha mẹ có thể yên tâm rằng – làm việc vì đam mê không có nghĩa là… nghèo. Nếu con có tư chất tốt, được giáo dục bài bản cộng thêm đam mê cháy bỏng cho công việc của mình, con sẽ luôn làm tốt dù ở bất kì môi trường nào.
Nếu làm tốt, không thể cứ dậm chân ở mức lương bèo bọt mãi. Nghề vlogger, beauty blogger, người quản lý các kênh truyền thông mạng xã hội hay thương mại điện tử đều là những cái tên chúng ta chưa từng nghe đến cách đây chỉ khoảng 10-15 năm. Thế nhưng, không ít bạn trẻ đã dám thử và đạt được những thành công nhất định trên con đường mình đã chọn. Họ không chỉ xây dựng được một cuộc sống đáng mơ ước cả về tài chính, danh tiếng mà còn viết nên câu chuyện truyền cảm hứng cho những người trẻ xung quanh.
Có rất nhiều ngành nghề mới được sản sinh mỗi ngày, đặc biệt là trong thời đại công nghệ, mà các bậc cha mẹ có thể chưa từng nghe đến tên, nhưng lại là ngôi sao sáng trong thị trường nghề nghiệp tương lai. Chỉ mong rằng, cha mẹ đừng vì nghề lạ, vì hai chữ “ổn định” ám ảnh mà cắt đứt đi những ước mơ đẹp. Nếu con đủ quyết tâm, cộng thêm sự ủng hộ vững chắc của gia đình, chặng đường nào rồi cũng sẽ tới đích.
“Nhảy việc” không còn là một khái niệm xa lạ?
Với thế hệ của cha mẹ, việc tìm được một công việc phù hợp, rồi cống hiến và gắn bó với nó trong suốt sự nghiệp là lựa chọn được nhiều người ưa thích. Thế nhưng, gen Z không đặt nặng việc ổn định như vậy. Thế hệ Z giỏi ngoại ngữ, tích lũy tốt kiến thức. Các con rất tự tin về triển vọng bản thân và có kế hoạch nghề nghiệp tham vọng, nhưng lại không muốn gắn kết với các tổ chức lâu dài.
Nhiều cha mẹ than phiền thấy con cứ “vài tháng lại chuyển công ty một lần”, sáng đi làm chiều xin nghỉ để đi phỏng vấn chỗ khác. Thực ra, điều các con thực sự kiếm tìm trong một công việc là cảm giác mình có giá trị - được thể hiện qua mức lương và chức danh, khả năng phát triển bản thân và đóng góp cho cộng đồng. Nếu đối chiếu với những khía cạnh này, chỉ một mình “lộ trình ổn định” sẽ không đủ sức níu chân gen Z.
Các con không “mộng mơ, bốc đồng”. Các con chỉ đang trân trọng giá trị của bản thân và khắt khe hơn trong việc lựa chọn môi trường phát triển mà thôi.
Sự ra đời của những mô hình công việc mới?
“Đi làm” trong tưởng tượng của cha mẹ hầu hết là mặc sơ mi, áo vest, xách cặp táp tới văn phòng từ 8h sáng đến 5h30 chiều. Vì vậy, khi con bảo đi làm mà mặc áo phông xanh đỏ hay 10h mới đủng đỉnh ra khỏi nhà là điều khiến cha mẹ khó hiểu.
Thế nhưng, những điều này là hoàn toàn bình thường trong thế giới việc làm ngày nay, khi các quy định và rào cản dần nhường chỗ cho một tiêu chí duy nhất – sự hiệu quả. Gen Z độc lập trong tư duy và thực tế rất “sòng phẳng, minh bạch” trong làm việc. Hình thức làm bán thời gian, làm nhân viên tự do hay đầu quân cho các công ty khởi nghiệp đều nới lỏng tối đa các luật lệ để con có thể tập trung vào chất lượng công việc.
Hơn nữa, các con cũng đề cao sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Những mô hình này chính là câu trả lời cho kỳ vọng đó.
Tại sao con chỉ thích nhắn tin chứ không gọi điện hay gặp mặt trực tiếp?
"Con tôi cứ nhắn tin suốt ngày, cháu cũng thích nhắn tin hơn là trò chuyện trực tiếp hay gọi điện. Thời xưa chúng tôi hay thích những cuộc gặp mặt đối mặt hơn mà có vẻ giờ các con không thế, tôi không hiểu tại sao?"
Với người trẻ, những dòng tin nhắn luôn có sức hấp dẫn của riêng mình. Các con sinh ra trong thời đại công nghệ, khi điện thoại thông minh trở thành vật bất ly thân và các công cụ nhắn tin thì nở rộ. Có lẽ, các con không né tránh việc gặp mặt trực tiếp mà đó chỉ là thói quen mới của tất cả chúng ta mà thôi. Cũng như việc cha mẹ không còn viết thư tay mà chuyển sang gọi điện vậy.
Không chỉ vậy, sự phát triển của các ứng dụng nhắn tin còn tạo nên những cuộc trò chuyện thú vị và rất tiện lợi. Con có thể tạo có thể tạo một nhóm chat sôi nổi trên Facebook Messenger, trả lời những mẩu tin ngắn tức thì tại Instagram hay thậm chí là tìm kiếm một người bạn mới trên ứng dụng hẹn hò. Tin nhắn đem lại cảm giác an toàn – không ai có thể bắt chúng ta phải trả lời ngay. Con có thể tranh thủ gửi một tin nhắn từ bất cứ đâu, bất kỳ khi nào.
Hơn ai hết, cha mẹ đều hiểu giá trị của những tương tác trực tiếp, đặc biệt là giữa các thành viên trong gia đình. Vì thế, hãy hiểu cho con – thích nhắn tin là bình thường, không phải là biểu hiện của sự “đua đòi” hay “hư hỏng”.
Vì thế đừng cấm đoán, chỉ cho con đâu là những ranh giới là một lựa chọn khéo léo hơn - đơn giản như đâu là giờ nên gác điện thoại sang một bên để tập trung vào bài vở hay một ngày con có thể dùng điện thoại tối đa bao nhiêu tiếng đồng hồ. Khi đó, những dòng tin nhắn sẽ không còn là nguồn cơn cho sự tranh cãi giữa cha mẹ và con, mà trở về với đúng chức năng của nó – gửi đi những thông điệp đáng nhớ.
(Cre: bài viết có sử dụng thông tin tham khảo thêm nguồn tài liệu về thế hệ Z)
Best,
NgaTran
...............................................................
Thât tuyệt vời khi con được ba mẹ đồng hành chọn nghề tương lai. Con cảm ơn ba mẹ!
XEM THÊM CÁC THÔNG TIN LIÊN QUAN KHÁC TẠI ĐÂY
1. PHONG CÁCH "HÀNH NGHỀ" LÀM CHA MẸ
........................................
* Quý phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm và cần tư vấn thêm thông tin chi tiết liên quan đến tâm lý, hướng nghiệp, du học các nước, học bổng, visa,... Xin vui lòng để lại thông tin bên dưới. Các chuyên viên của KEYSKILLS sẽ liên hệ lại với quý khách trong thời gian sớm nhất.
*Địa chỉ: Lầu 5, 74C Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Quận 1
*Hotline: 096 269 1068 - 086 611 6068 (zalo/viber)
*Fanpage: KeySkills ; English for Career; Ba mẹ ơi, con chọn nghề gì? ; Cha mẹ đồng hành cùng con chọn nghề tương lai