BỀN CHÍ

Làm thế nào để nuôi dưỡng và rèn luyện tính kiên trì, bền chí cho tụi nhỏ?

Q: Sao tụi nhỏ bây giờ nhanh chán và thích thay đổi thế. Sở thích thay đổi liên tục, đến công việc mà nay thích nghề này, mai thích nghề khác trong một thời gian rất ngắn. Sao tụi nhỏ bây giờ khó kiên trì, bền chí quá cô ha. Làm thế nào để rèn luyện tính kiên trì, bền chí cho tụi nhỏ cô nhỉ?

A. Muốn dạy trẻ kiên trì, nhẫn nại, chúng ta cần cho trẻ thấy những tấm gương thực tế, nhấn mạnh việc thất bại và trì hoãn là điều không thể tránh khỏi, nhưng bài học từ chúng sẽ giúp trẻ vươn tới thành công. Cha mẹ hãy nói chuyện về các chủ đề đó một cách thường xuyên. Cha mẹ cũng có thể chia sẻ trải nghiệm của chính mình. Và quan trọng nhất, hãy để trẻ được phép thất bại!

Nghịch lý chủ yếu của việc làm cha mẹ thời nay là: chúng ta có một sự thôi thúc rõ ràng, gần như là về mặt sinh học, được chu cấp cho con cái, trao cho con mọi thứ chúng muốn và cần, bảo vệ chúng khỏi hiểm nguy và những thứ bất tiện, thiếu thoải mái, cả lớn lẫn nhỏ. Và dù chúng ta đều biết rằng – ít nhất, ở một chừng mực nào đó - thứ mà trẻ cần hơn bất cứ điều gì là một chút khó khăn: một chút thử thách, một chút thiếu thốn để trẻ có thể vượt qua, thậm chí, chỉ để chứng minh với chính bản thân chúng rằng, chúng có thể vượt qua.

Là cha mẹ, nhiệm vụ của chúng ta là khai phá sự tự tin và tinh thần lạc quan trong con cái chúng ta, nhờ đó, cho phép trẻ có đủ sức mạnh để vượt qua những thăng trầm. Bà mẹ 2 con, Angela Duckworth, chia sẻ: “Trẻ không có khả năng tự lớn lên trở thành những người kiên trì, bền chí mà không được hỗ trợ”.

Không ai khác, người cung cấp sự hỗ trợ cần thiết và đáng giá đó, chính là các bậc cha mẹ.

1. Tìm ra một niềm đam mê (hay ít nhất một hoạt động mà trẻ thích thú và gắn bó lâu dài).

- Có thể là quá đòi hỏi khi kỳ vọng vào tụi nhỏ của bạn có thể tìm thấy “niềm đam mê” của mình ở lưa tuổi nhỏ. Nhưng khi trẻ lớn dần lên, theo đuổi một sở thích cụ thể nào đó mà trẻ tự lựa chọn có thể giúp chúng xác định đam mê của mình là gì và hiểu rằng, việc luyện tập chăm chỉ, sự kiên trì, nhẫn nại là cách chắc chắn nhất để đạt được thành tựu.

- Một trong những đặc điểm của người sở hữu phẩm chất kiên gan, bền chí là họ “đặc biệt có động lực kiếm tìm hạnh phúc thông qua sự gắn kết cực kỳ tập trung và cảm nhận rõ ràng về ý nghĩa hoặc mục tiêu”

- Nhưng nếu trẻ vẫn chưa tìm thấy công việc cuộc đời, chúng ta vẫn có thể giúp trẻ học được những thói quen và phẩm chất tốt, trong đó bao gồm cả sự kiên gan, bền chí.

Ví dụ có một quy tắc được áp dụng, theo đó, mọi thành viên trong gia đình đều phải thực hiện một việc gì đó khó khăn tại một thời điểm nào đó. Mỗi người sẽ chọn “việc khó khăn” ấy nhưng nên là việc thú vị và đòi hỏi “sự rèn luyện nghiêm túc gần như hàng ngày”, sau đó, bền bỉ theo đuổi công việc này trong một khoảng thời gian nhất định. Không ai được phép bỏ cuộc giữa chừng chỉ bởi vì mọi thứ dường như quá khó khăn.

  • Ý tưởng này đã dạy trẻ cách làm việc chăm chỉ và không đầu hàng khi chưa cố gắng hết sức mình. Quá trình học hỏi không phải lúc nào cũng vui vẻ, thú vị và sự tiến bộ không đến nếu không có nỗ lực. Nhưng nếu một đứa trẻ được tạo động lực để tiến bộ trong việc gì đó mà trẻ yêu thích thì những gian khó sẽ trở nên đáng giá và thành công tự nó đã là phần thưởng với trẻ rồi.

  • Là múa ballet, chơi đá bóng, đánh đàn hay tập võ karate, hãy cho phép trẻ chọn một hoạt động trong suốt một mùa (hoặc dài hơn với trẻ lớn hơn). Làm như vậy, bạn không chỉ giúp trẻ tìm kiếm và khai phá một đam mê mà còn dạy trẻ tinh thần tự giác, kỷ luật và củng cố ý tưởng rằng, rèn luyện sẽ mài giũa kỹ năng.

2. Nhận ra sự thất bại, hoang mang và việc rèn luyện là một phần để vươn tới mục tiêu cuối cùng..

- Những người có “tư duy mở” sở hữu sự thích ứng linh hoạt và khả năng vượt lên nghịch cảnh bởi họ tin rằng làm việc chăm chỉ là một phần của quá trình dài hơi và họ hiểu rằng, thất bại chỉ là tạm thời. Những người có “tư duy đóng” (fixed mindset), ngược lại, tin rằng, thành công bắt nguồn từ tài năng thiên bẩm và có xu hướng bỏ cuộc dễ dàng - cần chăm chỉ làm gì nữa nếu bạn không tin rằng mình có thể thay đổi bất cứ điều gì?

- Nếu học sinh bớt nản chí với quá trình học tập hơn và bỏ ra nhiều nỗ lực hơn khi trẻ hiểu rằng, thậm chí các chuyên gia cũng phải kinh qua đủ mọi loại gian khó mới làm chủ được tài năng của mình.

- Việc giải thích ban đầu về những trở ngại, khó khăn mà các chuyên gia phải vượt qua để đạt được thành tựu như ngày hôm nay thực sự tác động mạnh tới việc giúp trẻ kiểm soát cảm giác nản lòng, nản chí.

- Hãy lấy ví dụ về những người nổi tiếng - một ca sĩ giỏi, một vận động viên tài ba, một đầu bếp cừ khôi… và kể cho trẻ nghe hành trình gian nan chinh phục đỉnh cao của họ. Hãy nhấn mạnh về những rèn luyện miệt mài, về những nỗi khổ thể chất – tinh thần, thậm chí về những thiệt thòi mà họ phải chịu đựng để cuối cùng bước tới đỉnh vinh quang.

3. Chấp nhận rủi ro (và nói với trẻ về điều đó)

- Sự kiên gan, bền chí không thể có được nếu thiếu tinh thần chấp nhận rủi ro. Những người thành công luôn sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của mình để đối mặt với thất bại tiềm ẩn, để học được điều gì đó mới mẻ hay để theo đuổi mục tiêu lâu dài. Và dù, theo định nghĩa, rủi ro có thể kết thúc bằng thất bại, những người trưởng thành thành đạt không bao giờ từ bỏ.

- Paul Tough, tác giả cuốn “How Children Succeed”, từng nói: “Rất nhiều phụ huynh không muốn nói chuyện về thất bại của họ trước mặt con cái. Nhưng việc đó đã làm mất đi cơ hội cho trẻ thấy trải nghiệm thực tế của việc chứng kiến ba mẹ mình đã thất bại và đã vươn lên như thế nào”.

- Thật dễ dàng để phát ngôn những câu như “Không mạo hiểm, khó thành công”. Nhưng để trẻ chứng kiến chúng ta cũng trải qua thử thách cuộc đời và làm theo đúng tinh thần câu danh ngôn trên có thể giúp bồi đắp sự lạc quan và lòng dũng cảm trong trẻ - đó là thứ chúng cần để tự mình chấp nhận rủi ro, mạo hiểm.

4. Dạy trẻ rằng thất bại không phải là kết thúc.

5.127 - số mẫu máy hút bụi đã thất bại do James Dyson sáng chế trước khi ông thành công với mẫu máy hút bụi không hút Dual Cyclone, giúp ông kiếm được gia sản tỷ đô.
30 - số lần Stephen King bị từ chối trước khi cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, Carrie, cuối cùng cũng được một nhà xuất bản chấp nhận.
4 triệu USD - số tiền mà nhà sáng chế ra GoPro, Nick Woodman đã mất trắng sau công ty đầu tiên kinh doanh thất bại.

- Muốn dạy trẻ kiên trì, nhẫn nại, chúng ta cần cho trẻ thấy những tấm gương thực tế, nhấn mạnh việc thất bại và trì hoãn là điều không thể tránh khỏi, nhưng bài học từ chúng sẽ giúp trẻ vươn tới thành công.

- Là cha mẹ, điều quan trọng là chúng ta không để bản năng bao bọc con cái cướp đi những cơ hội để trẻ trải nghiệm “đường vinh quang không trải bước trên hoa hồng”.

- Là cha mẹ, tất cả chúng ta đều muốn con cái thành công, nhưng khi chúng tìm kiếm con đường đi để dẫn đến thành công, quan trọng là cho trẻ thấy, thất bại là một phần của hành trình, không phải là điểm kết thúc. Thất bại là chướng ngại vật cần thiết trên đường đi.

- Và nếu chúng ta không để trẻ thấy chúng ta từng thất bại ra sao hay để trẻ tự trải nghiệm thất bại (trong sự hiện diện để đảm bảo an toàn của chúng ta), trẻ có thể không bao giờ có được tinh thần, ý chí vững vàng mà vượt qua thất bại của chính mình.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG 2 PHÚT DÀNH CHO CHA MẸ

- Xem lại cách bạn và chồng/vợ bạn nhìn nhận rủi ro và thất bại như thế nào. Bạn thấy mình bị thử thách nhiều nhất trong đời là ở đâu, khi nào và bạn đã làm gì trong tình huống đó?

- Bạn có nhìn nhận các vấn đề, rắc rối với tinh thần lạc quan hay nhụt chí?

- Làm bài kiểm tra về độ kiên gan, bền chí, sau đó nhớ rằng, điểm số của bạn không cố định mà sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào nỗ lực của bạn. Và điểm số của trẻ cũng thế.

Link : https://sasupenn.qualtrics.com/jfe/form/SV_9H6iT93yv4rozeB

Sách tham khảo: The Grit (Vững tâm bền chí ắt thành công) của Angela Duckworth

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG LÂU DÀI DÀNH CHO CHA MẸ

- Áp dụng quy tắc giống như trong gia đình nhà tâm lý học Angela Duckworth. Giúp trẻ tìm ra một mục tiêu dài hạn đủ thử thách để theo đuổi và khích lệ trẻ thường xuyên luyện tập.

- Trò chuyện với trẻ về những trở ngại, khó khăn khi chúng xuất hiện. Giúp trẻ xây dựng kế hoạch B, kế hoạch C khi cần thiết.

- Chia sẻ cảm nhận về những thử thách bạn từng đối mặt và chia vui cùng với cả gia đình khi một thành viên nỗ lực để vượt qua những nhiệm vụ khó khăn.

- Trò chuyện thường xuyên với trẻ về thất bại của chính bạn và cách bạn vượt qua như thế nào.

- Khi trẻ gặp phải một kỹ năng, một hoạt động hay một môn thể thao khó nhằn, kiềm chế cảm giác thôi thúc phải bảo vệ con, che chở cho con. Không cho phép trẻ bỏ cuộc khi mới va vấp với rắc rối đầu tiên. Động viên để trẻ không bỏ cuộc sớm. Thay vào đó, sử dụng kinh nghiệm như một cách để dạy trẻ sự kiên trì, nhẫn nại. Giúp trẻ tìm ra các chiến thuật, phương pháp, vạch ra kế hoạch hành động nhưng cho phép trẻ tự chủ về giải pháp mà trẻ định áp dụng.

(Cre: Theo A Fine Parent, Sách The Grit (Vững tâm bền chí ắt thành công) của Angela Duckworth, bài báo tựa đề “The secret to success is failure” (Bí mật của thành công chính là thất bại) trên New York Times, Paul Tough)

With love,

Nga Tran

....................................................................

Thât tuyệt vời khi con được ba mẹ đồng hành chọn nghề tương lai. Con cảm ơn ba mẹ! 

 

XEM THÊM CÁC THÔNG TIN LIÊN QUAN KHÁC TẠI ĐÂY

1. GEN Z - NHỮNG "ĐAU ĐẦU" MÀ BA MẸ CẦN VƯỢT QUA

2. Thế hệ Alpha (2010-2024): 5 thách thức cực kỳ "cân não" dành cho ba mẹ


........................................

* Quý phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm và cần tư vấn thêm thông tin chi tiết liên quan đến tâm lý, hướng nghiệp, du học các nước, học bổng, visa,... Xin vui lòng để lại thông tin bên dưới. Các chuyên viên của KEYSKILLS sẽ liên hệ lại với quý khách trong thời gian sớm nhất.
*Địa chỉ: Lầu 5, 74C Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Quận 1
*Hotline: 096 269 1068 - 086 611 6068 (zalo/viber)
*Fanpage: KeySkills ; English for Career; Ba mẹ ơi, con chọn nghề gì? ; Cha mẹ đồng hành cùng con chọn nghề tương lai

 

Đăng ký tư vấn