LÀM CON…

Người ta hay nói “Nước mắt chảy xuôi chứ không chảy ngược bao giờ” để nói về tình yêu thương, sự hy sinh của cha, mẹ dành cho con cái bao la, vô bờ bến, là lẽ đương nhiên. Rất dễ nhận thấy khi vào nhà sách, có nguyên một dãy sách dành cho cha mẹ, cách nuôi dạy con hiệu quả,... Nhưng những cuốn sách dạy làm con, đạo làm con thật sự rất hiếm, thậm chí là không có vì là đề tài này ít được khai thác, không nhiều người quan tâm. Nếu bạn không tin, bạn có thể ghé nhà sách bất cứ lúc nào để kiểm chứng sự thật đó.

Quay lại vấn đề, tại sao lại có sự khác biệt rõ rệt như vậy vậy? Trong khi, ba mẹ cũng là lần đầu làm ba mẹ, con cũng là lần đầu làm con, cả hai đều không có kinh nghiệm như nhau. Chẳng có thể lý giải, nhưng so sánh thoáng qua cũng thấy, ba mẹ vẫn luôn là người lao tâm khổ tứ với vai trò mới này hơn so với người con.

Bài viết hôm nay tạm không nói về cách làm cha, làm mẹ phải như thế nào? Cũng không đủ chuyên môn để viết xuống thành một quyển sách dạy làm con. Chỉ là một chút tâm sự dưới góc nhìn khách quan, muốn nhắn nhủ đôi điều với những ai đang nhận vai trò là người làm con.

Gia đình nào dù yêu thương thế nào cũng vẫn tồn tại sự khác biệt từ cá tính, những ưu, khuyết điểm riêng, thậm chí dẫn đến sự cãi vã, xung đột. Và tất nhiên, khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái vẫn luôn ở đó, hiện hữu như một bức tường. Nếu không cố gắng phá vỡ bức tường đó, dần dần cha mẹ và con cái không còn tiếng nói chung và cứ thế xa cách nhau. Nhưng, chỉ mỗi cha mẹ cố gắng là không đủ, con cái cũng cần học để mở lòng bước từng bước về phía cha mẹ, có như thế thì cả 2 mới tìm ra được tiếng nói chung.

 Là con cái, nếu muốn ba mẹ hỗ trợ, mong muốn ba mẹ hiểu mình như thế nào? Hãy cứ bày tỏ. Dù cách này hay cách khác, thực sự có n+1 cách để chia sẻ mà không cần phải đối mặt trực diện. Có thể là nhắn tin, thu âm, viết thư hoặc truyền đạt qua một người thứ ba nào đó.

Để ít nhất một lần diễn đạt mọi thứ bản thân mong muốn, những suy nghĩ trong lòng để ba mẹ biết. Ba mẹ thật ra cũng luôn muốn điều tốt nhất cho con, chỉ là đôi khi yêu thương họ làm chưa đúng cách. Vì vậy, những người làm con ơi, trước khi vội vàng kết luận: nào là ba mẹ không hiểu mình, nào là ba mẹ không yêu mình, không quan tâm mình, hãy thử một lần mạnh dạn bày tỏ. Cho mình cơ hội cũng như cho cha mẹ cơ hội, được lắng nghe mình, biết đâu chỉ là cha mẹ chưa hiểu mình thôi và cũng biết đâu mình cũng chưa hiểu cha mẹ.

Một quyển sách thật sự rất hay, nhưng mình không còn nhớ nổi cái tên, viết thế này: “Cháu không thể giống người lớn trên Trái Đất, lúc nào cũng giành mặt tốt đẹp nhất cho người lạ, nhưng lại cáu kỉnh với những người thân thiết của mình, cậy họ sẽ không bao giờ rời xa mình”. Liên tưởng đến vai trò làm người con trong gia đình cũng vậy, chúng ta được hình thành một tư tưởng “bản thân là trung tâm vũ trụ” bởi lớp bao bọc của cha mẹ từ nhỏ, và cứ thế chúng ta xem đó là điều dĩ nhiên, mặc sức tiêu xài tình yêu thương đó.

Cứ thế, mãi nhìn vào lỗi sai của cha mẹ mà trách móc, nhưng thật ra, chúng ta - những người làm con, thật sự đã yêu cha mẹ mình đúng cách chưa, thật sự đã làm con của cha mẹ tốt chưa?


........................................

* Quý phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm và cần tư vấn thêm thông tin chi tiết liên quan đến tâm lý, hướng nghiệp, du học các nước, học bổng, visa,... Xin vui lòng để lại thông tin bên dưới. Các chuyên viên của KEYSKILLS sẽ liên hệ lại với quý khách trong thời gian sớm nhất.
*Địa chỉ: Lầu 5, 74C Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Quận 1
*Hotline: 096 269 1068 - 086 611 6068 (zalo/viber)
*Fanpage: KeySkills ; English for Career; Ba mẹ ơi, con chọn nghề gì? ; Cha mẹ đồng hành cùng con chọn nghề tương lai

 

Đăng ký tư vấn