Cách để con tự giác làm việc nhà không phải cha mẹ nào cũng dám thử


Hướng Nghiệp KeySkills Nghệ Thuật Cùng Con Làm Việc Nhà


1. Giao việc phù hợp theo độ tuổi.

Bạn nên dạy con tập làm việc nhà càng sớm càng tốt nhưng phải phù hợp với năng lực của con ở từng độ tuổi. Đừng giao cho con việc quá nhẹ hay quá nặng và đừng làm thay nếu con  không chịu thực hiện. Đối với trẻ từ 2- 4 tuổi, vứt rác đúng chỗ, dọn bàn ăn phụ mẹ, sắp xếp đồ chơi hay bỏ quần áo dơ vào giỏ… Từ 4 – 6 tuổi, con tự thay quần áo, dọn giường, dọn bàn, quét và lau nhà. Từ 6 tuổi trở lên, bạn có thể để con phụ giúp trong nhà bếp, dọn nhà tắm, đổ rác, giặt đồ và chăm sóc thú nuôi. Tất nhiên, bạn cần theo dõi khi con tự làm việc để tránh nguy hiểm có thể xảy ra.

2. Chỉ dẫn chi tiết

Bước đầu trong cách dạy con làm việc nhà là làm mẫu cho bé. Khi nhìn cách bạn làm việc, con sẽ thấy tò mò và bị kích thích muốn được thử sức. Để con có thể hiểu rõ, bạn nên làm chậm và giải thích chi tiết. Ví dụ, sau khi ăn con phải biết thu dọn bàn. Đầu tiên bạn chỉ cho con cách dọn chén dĩa dơ vào bồn rửa, vứt rác vào sọt và lau sạch bàn ăn. Bạn nên vừa nói vừa minh họa trực tiếp lúc ăn rồi để con thực hành. Nếu con sai chỗ nào thì bạn nên làm mẫu lại và giải thích để con hiểu rõ hơn.

3. Cùng làm với con như 2 người bạn

Sự chia sẻ và giúp đỡ từ cha mẹ giúp con cảm nhận sự quan tâm. Hơn nữa, làm việc nhà với bạn cho con cảm giác được tôn trọng như người lớn, được đóng góp được cho gia đình và dần tự tin, trưởng thành hơn. Tuy nhiên, bạn chỉ nên hỗ trợ còn hãy để con là người làm chính. Bên cạnh đó, bạn cần thực hiện khéo léo và cẩn thận để trẻ học theo. Ví dụ, khi rửa bát bạn nhắc con phải thận trọng, nhẹ tay vì chén đĩa rất dễ vỡ. Cách dạy con làm việc nhà này rèn luyện cho con sự thông cảm và sẻ chia. Khi con lớn, việc nhà của con sẽ tăng dần. Các cha mẹ cần phải dành thời gian chia sẻ với con. Các công việc sẽ dần được chuyển giao toàn bộ cho chúng nhưng lâu lâu mẹ rửa bát hoặc quét nhà, phơi quần áo thì con sẽ rất vui.

4. Đưa vào thời gian biểu của con,tạo thói quen

Cách dạy con làm việc nhà thực tế là để hình thành thói quen hàng ngày. Khi công việc lặp đi lặp lại thì trẻ tự ghi nhớ cách làm việc. Nhờ đó, con phụ giúp cha mẹ mà bạn không cần nhắc nhở. Ngoài ra, bạn nên kể về lợi ích của các đồ vật và công việc trong nhà để bé cảm thấy yêu thích và năng nổ hơn.
Thói quen làm việc nhà dạy bé tính tự giác, kỷ luật và hiểu rằng công việc nhà là trách nhiệm chung của mỗi thành viên. Chẳng hạn, mỗi sáng ngủ dậy, con tự sắp xếp giường ngủ ngăn nắp.

5. Để con tự làm khi con có thể

Khi giao việc nhà cho con là bạn đã thể hiện rằng trẻ có đủ năng lực và trách nhiệm cho công việc. Bạn chỉ nên can thiệp nếu bé nhờ hỗ trợ từ phụ huynh. Thay vì la mắng và giành làm, bạn nên gợi ý, cổ vũ để bé tiếp tục. Hơn nữa, bạn nên tránh những câu phủ định công sức của con như: “Sai rồi!”, “Con không biết làm gì hết” hay “Thôi để bố/mẹ làm nhanh hơn”. Điều này vô tình làm bé cảm thấy tự ti, thụ động và ghét việc nhà. Bởi thế, cách dạy con làm việc nhà này yêu cầu bạn thật kiên nhẫn, nhẹ nhàng mà tâm lí.

6. Khuyến khích và khen ngợi

Mặc dù bé có thể từ chối hoặc thỉnh thoảng bê trễ việc nhà nhưng bé vẫn khao khát cảm giác được cha mẹ coi trọng. Lời khen từ bạn giúp trẻ thấy được công nhận và có thêm động lực để làm việc. Dù trẻ không thích làm việc nhưng chỉ cần phụ huynh động viên thì bé sẽ cố gắng hoàn tất phần việc của mình. Thêm vào đó, bạn nên khích lệ sau khi con hoàn thành con việc như “cảm ơn con phụ mẹ/bố làm việc nhà” hay “Con làm việc giỏi quá”… Những lời khen ngợi và khích lệ là cách dạy con làm việc nhà khá hiệu quả.

7. Không chê bai nếu con làm không tốt

Khi con đã hào hứng làm mà các cha mẹ lại “dội nước đá” vào con thì cái niềm phấn khởi ấy sẽ nhanh chóng nguội tanh. Các cha mẹ nên khen ngơi con nhưng đừng khen quá đáng. Chỉ cần thái độ ngạc nhiên theo kiểu: “Ơ, con làm được à, ở tuổi con, mẹ chưa làm được đâu”… cũng đủ làm các bé vô cùng sung sướng và hãnh diện rồi.

8. Không trả tiền công cho con khi làm việc nhà

Việc nhà là công việc chung, con cần đóng góp công sức vào đây. Công việc đó phải được chia đều cho mọi thành viên trong gia đình. Ai cũng cần có trách nhiệm. Khi dạy con làm việc nhà nếu bạn trả công cho con khi con làm việc nhà, con sẽ mặc định việc đó là của bố mẹ, khi con thích hoặc cần tiền thì con sẽ làm, không thì thôi. Càng về sau, khi cơn lười biếng dâng lên, con sẽ càng tức tối, khó chịu khi phải làm việc nhà. Đến lúc đó bố mẹ dạy con trở nên đã quá muộn.

9. Đảm bảo tính công bằng trong khi giao việc

Bọn trẻ chẳng thích cái cảnh bị giao việc nhiều hơn người khác đâu. Vì thế khi giao việc cho con, tốt nhất nên đặt ra những đầu mục công việc, yêu cầu mỗi thành viên trong gia đình chọn lựa. Cho con chọn trước, sau đó yêu cầu tất cả mọi người thực hiện cho đúng. Dĩ nhiên, cũng cần có chút trọng số trong việc giao việc này.

Ví dụ: Nếu bố cũng đi đổ rác và quét sân thì con sẽ không cảm thấy khó chịu khi rửa bát. Hoặc tối nay con rửa bát thì tối mai mẹ rửa. Giao khoán hẳn một công việc cho trẻ thường sẽ khiến trẻ ghét công việc và bực bội.

10. Giao quyền cho con

Ở một số công việc nhà, khi con đã đủ lớn, cha mẹ có thể giao cho con quản hẳn việc đó như kiểu quản gia. Con có quyền chia sớt việc thành nhiều công đoạn nhỏ và giao cho mỗi người một phần, cách đó sẽ khiến con cảm thấy mình được tôn trọng và sẽ có trách nhiệm cao với công việc được giao.

Sau khi con làm xong, mẹ cho ý kiến chỉnh sửa, hỏi toàn bộ các thành viên trong gia đình. Sau đó cứ theo bản phân công mà làm và giao cho con làm tổng chi huy. Các cha mẹ đừng lo, lũ trẻ sẽ làm việc nghiêm túc và trách nhiệm lắm đấy

11. Kiên nhẫn

Cha mẹ hãy chấp nhận bát bị rửa bẩn, hay nhà lau không sạch hoặc quần áo lâu không được giặt trong một thời gian đầu…  Nếu lâu lâu con lên cơn lười, mẹ đừng lao vào làm giúp con ngay mà cần có chút đàm phán, nhắc nhở, thỉnh thoảng phạt. Như vậy con sẽ hiểu trách nhiệm việc nhà và biết không thể thể ỷ lại vào người khác được. Dạy con làm việc nhà là một hành trình rất gian nan, nhất là với trẻ ở đô thị có điều kiện sống tốt và nhiều mối quan tâm khác. Tuy nhiên có thể thay đổi được, bắt đầu từ sự quyết tâm của cha mẹ.


THAM KHẢO THÊM NHIỀU BÀI KHÁC TẠI ĐÂY

1. 22 CÂU HỎI VỀ BẢN THÂN NHƯNG KHÔNG DỄ TRẢ LỜI

2. BẠN LÀ AI TRONG CUỘC ĐỜI

3. NHU CẦU VÀ HÀNH VI CỦA TỪNG CHỦNG VÂN TAY


........................................

* Quý phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm và cần tư vấn thêm thông tin chi tiết liên quan đến tâm lý, hướng nghiệp, du học các nước, học bổng, visa,... Xin vui lòng để lại thông tin bên dưới. Các chuyên viên của KEYSKILLS sẽ liên hệ lại với quý khách trong thời gian sớm nhất.
*Địa chỉ: Lầu 5, 74C Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Quận 1
*Hotline: 096 269 1068 - 086 611 6068 (zalo/viber)
*Fanpage: KeySkills ; English for Career; Ba mẹ ơi, con chọn nghề gì? ; Cha mẹ đồng hành cùng con chọn nghề tương lai

 

Đăng ký tư vấn