Overthinking là gì? Overthinking có phải chỉ là tiêu cực?

 

Hiện nay, hội chứng "overthinking" được nhắc đến phổ biến trên mạng xã hội. Vậy overthinking là gì? Nó có đáng sợ không? Hãy theo dõi bài viết bên dưới để hiểu thêm về hội chứng này và xem bản thân mình có đang overthinking không nhé.

Hội chứng overthinking là gì

Overthinking hay hành động overthink, được hiểu là tình trạng suy nghĩ và nghiền ngẫm quá nhiều, quá mức về mọi thứ diễn ra xung quanh trong hiện tại; hoặc điều đã xảy ra trong quá khứ. Bạn liên tục đánh giá và cảm thấy không hài lòng, đau khổ với những suy nghĩ mà bạn có. Tâm trí bạn xoay quanh những vấn đề lặp đi lặp lại nhiều đến mức chúng gây cản trở đến cuộc sống của bạn.

Ai cũng có thể rơi vào tình trạng suy nghĩ quá mức. Nguyên nhân thường là các vấn đề tâm lý như thiếu tự tin về bản thân, sang chấn tâm lý, lo âu hay hội chứng tăng động, giảm chú ý ở người lớn (ADHD)

Overthinking thường được chia làm hai phân nhánh: Suy tư về quá khứLo lắng về tương lai.

Overthinking có xấu không?

Thật ra, overthinking không phải lúc nào cũng xấu. Overthinking chỉ xấu khi khiến bạn trì hoãn và không quyết đoán. Suy nghĩ quá nhiều có thể gây ra căng thẳng, và một chút căng thẳng tạo áp lực để bạn hành động giải quyết.

Ví dụ, khi bạn lo lắng về cuộc thi kết thúc học kỳ sắp tới. Việc bạn suy nghĩ và lo lắng về kỳ thi có thể giúp bạn ý thức trong việc ôn bài sớm và dành thời gian chuẩn bị cho kỳ thi nhiều hơn. Nó có thể khiến bạn chăm chỉ và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Đôi khi, suy nghĩ, trăn trở nhiều có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về các giá trị của mình và các lĩnh vực tiềm năng để phát triển cá nhân.

Không phải trường hợp overthinking nào cũng gây ra ảnh hưởng xấu. Overthinking trở nên không lành mạnh khi nó ngăn cản bạn hành động; hoặc can thiệp tiêu cực vào cuộc sống hàng ngày cũng như hạnh phúc của bạn. gây ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày, công việc và các mối quan hệ xã hội của bạn.

Dấu hiệu bạn đang Overthinking

Các dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang mắc overthinking:

  • Tưởng tượng các tình huống xấu nhất.
  • Lặp đi lặp lại điều gì đó tồi tệ đã xảy ra trong quá khứ.
  • Dành nhiều thời gian để suy nghĩ tiêu cực về quá khứ hoặc tương lai.
  •  Cảm thấy hoài nghi về quyết định của bản thân.
  • Thất vọng và chán nản vì những suy nghĩ của chính mình.
  • Cố suy diễn suy nghĩ của người khác về mình,...

Nếu không biết mình có hay suy nghĩ quá mức hay không, bạn có thể thử bài kiểm tra nhỏ của giáo sư, nhà tâm lý học David A. Clark:

  • Có phải lúc nào bạn cũng dễ dàng bắt gặp mình đang nghĩ ngợi?
  • Bạn có thường tự hỏi vì sao mình lại có những suy nghĩ đó?
  • Bạn có thường theo đuổi ý nghĩa sâu xa hoặc mang tính cá nhân đằng sau những suy nghĩ đó không?
  • Mỗi khi thấy buồn, bạn có thường chìm vào suy nghĩ không?
  • Bạn có cực kỳ muốn biết trí não của mình hoạt động thế nào?
  • Việc kiểm soát gắt gao suy nghĩ có quan trọng với bạn?
  • Bạn có thường ít khoan dung cho những suy nghĩ không mong muốn và bộc phát?
  • Bạn có thường vật lộn với việc kiểm soát suy nghĩ của mình?

Nếu câu trả lời là có cho đa số câu hỏi trên, khả năng cao bạn có xu hướng suy nghĩ quá nhiều.

Tác hại của overthinking

Overthinking có thể ảnh hưởng đến cách bạn trải nghiệm và tương tác với thế giới xung quanh; ngăn cản bạn đưa ra những quyết định quan trọng; khiến bạn không thể tận hưởng khoảnh khắc hiện tại và làm bạn cạn kiệt năng lượng cần thiết để xử lý các tác nhân gây căng thẳng hàng ngày.

Những người suy nghĩ quá mức có nguy cơ mắc rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ, nghiện rượu và các chất kích thích, trầm cảm và các vấn đề tâm lý khác cao hơn người bình thường.

Một nghiên cứu còn chỉ ra rằng, suy nghĩ quá mức khiến vùng vỏ não trước trán hoạt động quá nhiều gây ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề.

Cách vượt qua overthinking

1. Nhận ra bản thân đang suy nghĩ quá nhiều

Theo nhà tâm lý học lâm sàng Helen Odessky, chúng ta dễ bị nhầm lẫn giữa tình trạng suy nghĩ quá nhiều và khi chúng ta suy nghĩ để giải quyết một vấn đề. Ở đây, hành động giải quyết vấn đề là đang suy nghĩ tới giải pháp. Trong khi, tình trạng overthinking là khi ý nghĩ của ban quanh quẩn quanh vấn đề hiện tại một cách quá mức và khiến bạn phát triển ý nghĩ xấu về bản thân.

Vậy nên, nhận thức được vấn đề là bước đầu tiên để giải quyết vấn đề.

2. Tìm hiểu nguyên nhân

Phía sau bất kỳ suy nghĩ hay cảm xúc nào cũng tiềm ẩn 1 số nguyên nhân. Ví dụ như bạn cảm thấy lo lắng về tương lai có thể đằng sau đó là mong muốn thành công.

Tìm hiểu về nguyên nhân sẽ khiến bạn hiểu hơn về vấn đề của mình. Từ đó, có thể chủ động kiểm soát và hạn chế để mình rơi vào trường hợp tương tự sẽ giúp bạn kiểm soát suy nghĩ.

3. Đánh lạc hướng

Bạn có biết một trong những nguyên nhân khiến bạn overthinking là vì bạn đang quá rảnh rỗi không? Vậy nên hãy khiến bản thân thật bận rộn. Thay vì dùng thời gian để chìm đắm trong những suy nghĩ rối ren của bản thân, bạn có thể đi tập thể dục, đi học cái gì đó mới, hoặc đơn giản là chơi những game đơn giản. Những hoạt động chúng mình vừa gợi ý trên có thể giúp bạn nạp dopamine cấp tốc, giúp bạn trở nên vui vẻ và tích cực hơn. 

4. Công nhận những điều tích cực của bạn

Việc hiểu về bản thân cũng là cách hay để giúp bạn bớt overthinking. Bất cứ khoảng thời gian rảnh nào trong ngày, hãy bắt đầu ghi ra những thành công, điểm tích cực ở con người bạn. Ví dụ như: tôi là người hài hước, tôi nấu ăn ngon, tôi biết chơi ít nhất 1 môn thể thao,...

5. Chấp nhận chúng ta như chúng ta vốn là

Chúng ta chấp nhận chúng ta có những điểm mạnh và điểm yếu, mặt tốt và mặt xấu, điều đã làm được và chưa. Chúng ta là con người và con người thì không toàn năng. Khi ta chấp nhận việc chúng ta không hoàn hảo ta hài lòng và hạnh phúc hơn.

6. Nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia sức khỏe tinh thần.

Cuối cùng, nếu tất cả những chiến lược không mang lại kết quả khả quan. Bạn nên tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia hỗ trợ sức khỏe tinh thần.

Thông qua bài viết này, KeySkills hy vọng bạn hiểu hơn về overthinking và bỏ túi một số cách vượt qua hội chứng này. Trong cuộc sống, ai cũng nhiều vấn đề cần giải quyết. Thay vì cứ mãi suy nghĩ đến chúng; ta hãy bắt tay vào giải quyết chúng ngay bạn nhé. Chúc bạn thành công trong việc cân bằng tâm trí của mình!

Mời các bạn đọc thêm HIỂU MÌNH 

 


........................................

* Quý phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm và cần tư vấn thêm thông tin chi tiết liên quan đến tâm lý, hướng nghiệp, du học các nước, học bổng, visa,... Xin vui lòng để lại thông tin bên dưới. Các chuyên viên của KEYSKILLS sẽ liên hệ lại với quý khách trong thời gian sớm nhất.
*Địa chỉ: Lầu 5, 74C Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Quận 1
*Hotline: 096 269 1068 - 086 611 6068 (zalo/viber)
*Fanpage: KeySkills ; English for Career; Ba mẹ ơi, con chọn nghề gì? ; Cha mẹ đồng hành cùng con chọn nghề tương lai

 

Đăng ký tư vấn