Bốc đồng, nông nổi dễ bị cuốn theo những "cái tôi" giả tạo

Càng được chú ý, số lượng người xem và theo dõi càng cao thì cá nhân càng có nguy cơ ảo tưởng nhầm lẫn về sự nổi tiếng trên mạng với thành công trong cuộc sống thực. Họ nghiện sống với cái tôi giả.

Sống với cái tôi giả tạo

Trong cuộc sống, tùy theo từng vai trò xã hội, mỗi cá nhân vốn có rất nhiều gương mặt, nhiều cái tôi khác nhau. Mỗi cá nhân đều có không gian thể hiện cái tôi cá nhân (personal self), cái tôi gia đình (family self) và cái tôi xã hội (social self), cái tôi học thuật (academic), cái tôi năng lực (competence), cái tôi cảm xúc (affect).

Tuy nhiên, có rất nhiều người bày tỏ những điều mình không thật sự cảm thấy, nói những điều không thật sự là suy nghĩ, và làm những điều mà mình không thật sự tán thành, thể hiện ra bên ngoài một cái tôi giả để theo đuổi sự nổi tiếng, để duy trì sự chú ý, để cổ xúy cho một lối sống xa hoa đề cao vật chất.

Rất nhiều chiêu trò được sử dụng kể cả việc hành động lố lăng gây sốc tạo scadal, tận dụng nỗi đau và tai nạn của người khác, phá hủy tài sản, của công, tận dụng lòng trắc ẩn của người khác để kêu cứu giả, mua bán các bài báo khoa học để thăng tiến…

Và khi càng được chú ý, số lượng người xem và theo dõi càng cao thì cá nhân càng có nguy cơ ảo tưởng nhầm lẫn về sự nổi tiếng trên mạng với thành công trong cuộc sống thực. Họ nghiện sống với cái tôi giả.

Bốc đồng, nông nổi dễ bị cuốn theo những "cái tôi" giả tạo - 1

Các nền tảng mạng xã hội giờ đây đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người 

(Ảnh minh họa: Pinterest).

Nếu như cái tôi thật là phần sống động, sáng tạo và là bản chất tự nhiên của con người, thì cái tôi giả lại là tập hợp những đặc điểm được cá nhân tạo dựng và cân nhắc lựa chọn theo ý kiến và sự chấp nhận của những người có uy quyền, bao gồm cha mẹ, cấp trên, bạn bè và cộng đồng xã hội nói chung.

Thể hiện cái tôi giả ra bên ngoài thường là phương cách giúp chúng ta hành xử và thích nghi với những đòi hỏi của thực tại khách quan. Nó khiến chúng ta cảm thấy được hòa nhập, được chấp nhận, được yêu thương và tôn trọng, và không bị bỏ lại bởi tổ đội nhóm. Chính chúng ta cảm thấy tốt hơn.

Với cái tôi giả, một người có thể trở nên thành công, có một cuộc sống được nhiều người khác mơ ước, nhưng sâu thẳm bên trong, có thể họ lại cảm thấy không thỏa mãn, thậm chí là giả tạo. Sống với cái tôi giả, trong lúc chúng ta cố gắng đáp ứng những kỳ vọng của người khác về mình nhưng thực tế mối quan hệ sẽ trở nên kém chân thực, cá nhân sẽ cảm thấy bất mãn và có những nhận thức tiêu cực về bản thân.

Khi cái tôi giả quá mạnh có thể khiến một người không thể hành động theo những thôi thúc, tiềm năng sáng tạo và tư duy phản biện, dẫn đến cảm thấy mình mờ nhạt, trống rỗng, vô giá trị và phiền muộn. Đó chính là yếu tố dẫn đến tổn thương sức khỏe tâm thần cho mỗi cá nhân về lâu dài.

Sự kìm nén cái tôi thể hiện qua việc kìm nén các quan điểm cá nhân, không thể hiện ý kiến, suy nghĩ, cảm xúc, hay hành vi nào tương ứng; những người này có xu hướng gặp rối nhiễu trầm cảm hay/và các cảm xúc phiền muộn nhằm duy trì các mối quan hệ. Ngược lại, một cá nhân sống chân thật (authenticity) theo bản ngã của mình sẽ dự đoán cho một tâm trí lành mạnh, một cuộc sống hạnh phúc. 

Tại sao một con người không thể sống thật như bản thân họ vốn thế?  

Trong các tương tác xã hội hàng ngày, chúng ta chỉ thể hiện một số khía cạnh nhất định của bản thân, thường là những đặc điểm mà bản thân cảm thấy thoải mái, tự tin, hoặc thậm chí là những đặc điểm đã được phóng đại, chỉnh sửa. Lý do là vì chúng ta muốn thể hiện một phiên bản thật ấn tượng của bản thân và giành được sự mến mộ, thừa nhận hay chấp nhận từ những người khác. 

Ẩn sâu hơn trong những mong muốn được mến mộ, được chấp nhận là sự tự tin, tự trọng thấp, là đặc điểm nhân cách yếu, là không hiểu rõ và không trân trọng giá trị của cái tôi. Nói theo cách khác, những người có lòng tự trọng thấp thường gồng mình thể hiện cái tôi giả ra bên ngoài nhiều hơn để nhận về những lời khen, sự ủng hộ và thừa nhận mà họ vốn rất cần và luôn tìm kiếm.

Thường khi bắt đầu vào lứa tuổi vị thành niên, ta thường chất vấn bản thân với những câu hỏi như “Tôi là ai?”, “Mọi người nghĩ tôi là người như thế nào?”. Đây chính là những thời khắc quan trọng để một cá nhân xác định và xây dựng bản sắc cái tôi của chính mình.

Trong giai đoạn này, sự chấp nhận từ gia đình, bạn bè là rất quan trọng đối với các thiếu niên. Trong đó, tần suất và chất lượng ủng hộ của cha mẹ đối với con cái ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến việc hình thành cái tôi thật, cái tôi giả ở những đứa trẻ.

Nếu bố mẹ và bạn bè lắng nghe, tôn trọng, chấp nhận các em như chính bản thân vốn có. Các em sẽ tự tin thể hiện cái tôi thật và không phải uốn éo vặn vẹo để cho vừa lòng ai. Nhưng nếu bố mẹ, bạn bè và cộng đồng không thực sự thích con người thật của các em, cho rằng phải đáp ứng theo các tiêu chuẩn, nhu cầu của cá nhân họ thì mới được xem là con ngoan, trò giỏi.

Các em sẽ dần dần hy sinh những nhu cầu, hứng thú và tiềm năng của bản thân để cố gắng hoàn thành những tiêu chuẩn bố mẹ hay cộng đồng đặt ra. Vô thức, chúng ta tự diễn một cái tôi giả, một phiên bản ngoan ngoãn, biết cách ứng xử để làm hài lòng những người chúng ta đang phụ thuộc và giấu đi cái tôi thật của bản thân. 

Giới trẻ ngắt kết nối để kết nối

Sự phát triển của các mạng xã hội hiện nay với nhiều tính năng cho phép mọi người được tự do thể hiện cái tôi từ ngoại hình, lối sống, hoạt động trong ngày, ... tới những vấn đề sâu sắc hơn như cảm xúc, sở thích, suy nghĩ, niềm tin một các dễ dàng và lan tỏa đến công chúng một cách nhanh chóng, nhận phản hồi từ cộng đồng rộng rãi và nhanh hơn rất nhiều so với cách mà chia sẻ trong đời thực thường diễn ra góp phần cho cá nhân xây dựng và phát triển cái tôi. 

Nhưng mặt trái là nó cũng khiến cộng đồng càng trở nên quá phụ thuộc vào thế giới ảo, liên tục thể hiện theo cách tìm kiếm sự chú ý và thỏa mãn cái tôi, một lối sống “phông bạt” trên mạng xã hội (MXH).

Bốc đồng, nông nổi dễ bị cuốn theo những "cái tôi" giả tạo - 2

 Nhiều người đi ăn uống theo các TikToker và có trải nghiệm không mấy dễ chịu (Ảnh: MXH).

Từ góc nhìn của một người theo dõi, khi truy cập vào một khối lượng thông tin khổng lồ về đời sống của người khác khiến chúng ta trở nên “so sánh xã hội” thường xuyên hơn. Do những gì được chia sẻ trên MXH là những phiên bản đẹp đẽ, được chọn lọc, đã được đánh bóng của “những cái tôi giả” nên chúng ta lên mạng rất dễ bị ám thị với những tấm gương siêu thành tích, những thành tựu đáng kể, những diện mạo chuẩn từng milimet, những phát ngôn sâu sắc đầy tính triết lý khiến chúng ta có áp lực phải chỉnh sửa cái tôi của mình theo những chuẩn mực chung đó.

Việt Nam với hơn 70% dân số (chủ yếu là giới trẻ) đang sử dụng MXH. Các MXH cũng đang tích cực khuyến khích cá nhân thương hiệu hóa bản thân, trở thành người có sức ảnh hưởng (KOL) và sáng tạo các nội dung độc đáo trên mạng xã hội, thỏa mãn cảm giác đang sống một cuộc sống hoàn hảo nhưng cũng đang tích lũy nhưng nguy cơ về sức khỏe, và sức khỏe tinh thần, bỏ bê sự nghiệp, kinh doanh không bền vững và vi phạm pháp luật. 

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người quyết định từ bỏ các tài khoản MXH với hàng trăm ngàn lượt người theo dõi bất chấp việc sử dụng MXH này giúp cá nhân có được sự nổi tiếng, yêu mến từ nhiều người, kèm theo những khoản thu nhập ổn định từ những bài đăng để chi trả cho cuộc sống. 

Họ cảm thấy việc “thương hiệu hóa bản thân quá mức” khiến họ phải sống theo các chuẩn mực méo mó và không thật cho những người theo dõi hài lòng. Điều này diễn ra trong thời gian dài khiến cho các chủ tài khoản trở nên mệt mỏi, cảm thấy giả tạo và không thật. Luôn phải cố gắng chứng minh và duy trì một cuộc sống tuyệt đẹp, thể hiện những điều tuyệt vời nhưng không có thật khiến cá nhân ngày càng trống rỗng, căng thẳng, kiệt sức, không thể hưởng thụ cuộc sống. 

Những nghiên cứu mới nhất cho thấy có khoảng 60% các bạn trẻ độ tuổi Gen Z đã từng chủ động ít nhất một lần ngừng sử dụng MXH trong một thời gian để tự cân bằng lại.

Như một triết gia nào đó đã nói. Biết về bản thân mình là khởi đầu cho mọi sự hiểu biết: “Đặc ân của cuộc đời là trở thành con người bạn thực sự là. Chỉ những ai hiện thực hóa được cái tôi chân chính của mình, bỏ mặt nạ xuống mới có thể tận hưởng một cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc”.

(Nguồn bài viết : tác giả PGS.TS Trần Thành Nam, đăng trên https://dansinh.dantri.com.vn/)


........................................

* Quý phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm và cần tư vấn thêm thông tin chi tiết liên quan đến tâm lý, hướng nghiệp, du học các nước, học bổng, visa,... Xin vui lòng để lại thông tin bên dưới. Các chuyên viên của KEYSKILLS sẽ liên hệ lại với quý khách trong thời gian sớm nhất.
*Địa chỉ: Lầu 5, 74C Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Quận 1
*Hotline: 096 269 1068 - 086 611 6068 (zalo/viber)
*Fanpage: KeySkills ; English for Career; Ba mẹ ơi, con chọn nghề gì? ; Cha mẹ đồng hành cùng con chọn nghề tương lai

 

Đăng ký tư vấn