Hệ thống đại học tiểu bang California (Mỹ), một trong những hệ thống trường công lập danh tiếng hàng đầu thế giới, vừa tuyên bố không dùng SAT/ACT từ năm học 2025.
Kỳ thi SAT 90 năm qua tại Mỹ không còn nữa
- SAT (viết tắt của Scholastic Aptitude Test), là một trong những kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào các trường đại học (ĐH) của Mỹ. ACT (viết tắt của American College Testing) cũng là một kỳ thi chuẩn hóa được sử dụng đánh giá năng lực học tập của học sinh (HS) trung học. Mục đích của kỳ thi SAT/ACT là đánh giá chỉ số thông minh IQ và khả năng ngôn ngữ của HS từ trung học khi bước vào môi trường ĐH.
- Xét tuyển vào ĐH Mỹ sẽ bao quát mọi khả năng của HS từ năng lực học, say mê trong lĩnh vực học tập, năng lực giao tiếp, tính cộng đồng, tính lãnh đạo, tính tổ chức, năng khiếu trong khoa học, nghệ thuật, thể thao… Trong đó điểm SAT hoặc ACT là một yếu tố để đánh giá năng lực học của HS.
- Ngày 21.5, hệ thống ĐH tiểu bang California, bao gồm 10 trường thành viên, tuyên bố sẽ không dùng SAT/ACT từ năm học 2025. Trong giai đoạn 2021 - 2024, trường xem điểm SAT/ACT là sự lựa chọn, không bắt buộc và sẽ dùng SAT/ACT để xét học bổng. Tuyên bố này như hồi chuông báo hiệu chấm dứt sự tồn tại lâu đời của kỳ thi SAT trong 90 năm qua tại Mỹ.
Sự bất cập của kỳ thi SAT/ACT
- Vài năm trước đây, nhiều trường ĐH Mỹ đã tranh luận về sự bất lợi của kỳ thi SAT/ACT. Các nhà giáo dục muốn loại bỏ SAT/ACT trong hồ sơ xét tuyển hoặc chỉ xem điểm này như là phần lựa chọn. Khi tuyên bố sẽ không dùng SAT/ACT từ năm học 2025, các nhà lãnh đạo giáo dục của hệ thống ĐH California cho rằng điểm kỳ thi này không công bằng cho tầng lớp sinh viên nghèo, da đen và nhóm nói tiếng Tây Ban Nha. Ðối với HS châu Á, học thi SAT như là trào lưu, nhiều HS đã học từ lớp 10. Vì thế cựu Thống đốc tiểu bang California, Eleni Kounalakis, thành viên trong ban cố vấn, cho rằng “những bài kiểm tra này vô cùng thiếu sót và không công bằng”.
- Các nhà giáo dục của ĐH Connecticut cho rằng nhiều hồ sơ xét tuyển với điểm SAT/ACT thấp nhưng thành công trong 4 năm ĐH nên điểm SAT/ACT không phỏng đoán chính xác năng lực học của sinh viên tại ĐH. Một scandal trong năm 2019 làm xã hội Mỹ quan tâm về sự gian lận trong hồ sơ xét tuyển vào các trường danh tiếng như Yale, Stanford và USC. Các gia đình giàu có ở Mỹ và Trung Quốc bỏ ra rất nhiều tiền để tạo hồ sơ đẹp cho con em họ và điểm SAT/ACT cũng được “biến hóa” rất đẹp.
- Theo Tổ chức FairTest, hiện tại có khoảng 1.230 trường ĐH trong tổng số 2.830 trường của Mỹ xem điểm SAT/ACT chỉ như một phần lựa chọn trong hồ sơ xét tuyển vào ĐH chứ không phải là yếu tố quyết định.Năm 2021 nhiều trường ĐH danh tiếng bỏ điểm SAT
- Kỳ tuyển sinh cho năm 2021, trong tình hình dịch bệnh Covid-19, hầu hết các trường ĐH Mỹ không yêu cầu điểm SAT/ACT. Các trường danh tiếng trong Ivy League như Princeton, Harvard, UPenn, Cornell; trường trong tốp Liberal Arts như Williams, Amherst, Swarthmore, Pomona không bắt buộc có điểm SAT/ACT trong đơn xét tuyển. Các trường khác đều có quyết định tương tự.
- Do dịch bệnh Covid-19, Trung tâm khảo thí College Board vẫn chưa xác định các trung tâm có mở các kỳ thi từ tháng 8 - 12.2020 hay không. Trung tâm đang nghiên cứu hình thức thi trực tuyến tại nhà nhưng các nhà giáo dục nhận xét phương án này không khả thi trong việc chống gian lận thi cử.
Học sinh VN chuẩn bị gì khi không còn SAT/ACT
- Với việc hầu hết các ĐH Mỹ không yêu cầu hoặc lựa chọn điểm SAT/ACT trong hồ sơ xét tuyển ĐH năm 2021 thì điểm GPA (điểm trung bình học tập) có thể sẽ được các trường ĐH đặt trọng tâm hơn mọi năm. Trong bối cảnh mới này, nếu HS VN có thế mạnh học SAT và SAT Subject thì cứ duy trì việc học vì một số trường vẫn còn xem xét. Nhóm HS có điểm SAT/ACT thấp thì không nên xem điều này là bất lợi trong hồ sơ ĐH và nên chọn những trường không yêu cầu SAT/ACT. Những HS VN đang học ở Mỹ nếu có năng lực học tốt thì nên tiếp cận và đăng ký học các môn AP (các môn trong chương trình ĐH). Trung bình lớp 11 - 12 học 2 - 3 môn AP sẽ làm cho điểm GPA tăng cao nếu kết quả học tốt. HS VN nộp đơn cho năm học 2021 nên tập trung việc học giữ điểm cao trong học kỳ 1, tăng kiến thức và trải nghiệm về ngành học trong tháng hè, chọn trường phù hợp năng lực học của mình.
- HS có thế mạnh nào thì tham gia các câu lạc bộ đúng sở trường. HS có năng khiếu về lãnh đạo, có tính cộng đồng thì dấn thân vào các tổ chức xã hội, tham gia các hội thảo, hội nghị, sự kiện quốc tế. Việc tham gia các hoạt động từ thiện, cộng đồng không phải vì cần chứng chỉ làm cho hồ sơ đẹp mà nên hiểu đó là sự dấn thân và chia sẻ những trải nghiệm của cuộc sống. Từ đây, HS sẽ học hỏi nhiều điều thú vị trong công việc và đó là những cảm xúc thật từ trái tim khi viết trong bài luận kèm theo hồ sơ xét tuyển vào ĐH. HS định hướng về lĩnh vực học nào thì cần có những việc làm cụ thể tương ứng. Ví dụ nếu mong muốn học ngành xây dựng thì phải có những kiến thức và trải nghiệm của ngành xây dựng. Kiến thức có từ việc đọc sách, trải nghiệm có từ công việc như giúp việc cho các kỹ sư xây dựng... Ða phần HS VN ít có kiến thức và trải nghiệm thực tiễn cho ngành muốn học. Ðây là điểm yếu của HS VN khi nộp đơn vào ĐH Mỹ. Xét tuyển vào ĐH Mỹ, trường nhận “con người” chứ không nhận “điểm” và cách xét duyệt sẽ bao quát mọi khả năng của HS.
(Tham khảo)
........................................
* Quý phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm và cần tư vấn thêm thông tin chi tiết liên quan đến tâm lý, hướng nghiệp, du học các nước, học bổng, visa,... Xin vui lòng để lại thông tin bên dưới. Các chuyên viên của KEYSKILLS sẽ liên hệ lại với quý khách trong thời gian sớm nhất.
*Địa chỉ: Lầu 5, 74C Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Quận 1
*Hotline: 096 269 1068 - 086 611 6068 (zalo/viber)
*Fanpage: KeySkills ; English for Career; Ba mẹ ơi, con chọn nghề gì? ; Cha mẹ đồng hành cùng con chọn nghề tương lai