Trí tuệ Cảm xúc (Emotional intelligence / Emotional quotient) cho thấy khả năng tiếp nhận, nhận diện, biểu lộ và điều chỉnh cảm xúc của một người. Về mặt mức độ thang đo và khoảng điểm, người có chỉ số thông minh cảm xúc cao, đồng nghĩa với việc họ sẽ dễ dàng nhận diện được cảm xúc của bản thân họ và cả của người khác.
Trong bối cảnh xã hội, thị trường lao động đầy biến động hiện nay, Trí tuệ cảm xúc được đánh giá có ảnh hưởng đáng kể đến việc kiểm soát các xung đột nhiệm vụ và làm gia tăng hiệu quả làm việc nhóm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trí tuệ cảm xúc giúp làm giảm các xung đột nhiệm vụ và gia tăng hiệu suất làm việc cũng như tính đổi mới của nhóm. Bên cạnh đó, xung đột nhiệm vụ cho thấy, xu hướng tác động xấu đến hiệu quả làm việc nhóm. Bài nghiên cứu gợi ý cho các nhà quản lý nhân sự tại các ngân hàng thương mại cần quan tâm đến việc bồi dưỡng trí tuệ cảm xúc cho các nhân viên và kiểm soát các xung đột nhiệm vụ trong tổ chức.
Các khía cạnh của trí tuệ cảm xúc quyết định chỉ số EQ
Để có thể hiểu chính xác và chi tiết hơn về bài test EQ, Tiến sĩ Goleman, người đầu tiên đưa ra định nghĩa về EQ đã nhắc đến 5 khía cạnh chính của EQ bao gồm:
- Tự nhận thức (self-awareness): khả năng nhận diện và hiểu được cảm giác và cảm xúc của bản thân.
- Tự điều chỉnh cảm xúc (self-regulation / managing emotions): khả năng điều tiết cảm xúc của bản thân để phù hợp với hoàn cảnh điển hình như biết kiểm soát sự bốc đồng của bản thân trong những tình huống có yếu tố bất ngờ.
- Khơi gợi động lực tự thân (self-motivation): khả năng sử dụng cảm xúc và cảm hứng đang có để tự động viên và thúc đẩy bản thân tiến bộ, trưởng thành và hướng đến mục tiêu.
- Thấu cảm (empathy): khả năng nhận ra và hiểu được cảm xúc mà người khác đang có, từ đó hiểu được tình huống và hoàn cảnh mà người khác đang trải qua, dù cho quan điểm, trải nghiệm và cảm xúc của họ có phần trái ngược với bạn.
- Kỹ năng xã hội (social skill): khả năng truyền được cảm hứng và cảm xúc cho người khác. Từ đó, bạn có khả năng tương tác tốt với những người xung quanh trong những tình huống xã hội, ví dụ như trong một cuộc trò chuyện đông người hoặc một buổi họp nhóm.
Lợi ích của EQ cao trong học tập, công việc, các mối quan hệ và cuộc sống là gì?
Theo kết quả nghiên cứu của Entrepreneur phát hiện ra rằng, 90% những người đạt được thành tích cao trong công việc và cuộc sống sở hữu chỉ số EQ cao.
Dưới đây là những đặc điểm ở nhóm người này mà kết quả nghiên cứu đã phát hiện:
- Khả năng chịu trách nhiệm và tính linh hoạt.
- Tính quyết đoán và khả năng ra quyết định nhanh.
- Khả năng giao tiếp, thuyết trình và làm việc nhóm tốt.
- Có khả năng điều tiết cảm xúc cũng như quản lý thời gian tốt.
- Ngưỡng chịu stress ở mức cao, dễ thích ứng với sự thay đổi.
EQ không chỉ là khả năng hiểu và kiểm soát cảm xúc của bản thân, mà còn là yếu tố quan trọng giúp bạn cải thiện mối quan hệ xã hội và thành công trong công việc. Có thể thấy, việc cố gắng phát huy trí tuệ cảm xúc thật sự mang lại nhiều lợi ích cho bạn, từ khả năng giao tiếp hiệu quả cho đến khả năng làm việc nhóm và khả năng giữ bình tĩnh trong các tình huống căng thẳng.
Hiểu về Bánh xe cảm xúc là gì?
Đọc thêm: KỸ NĂNG HỘI NHẬP NGHỀ NGHIỆP - 06 ĐIỀU PHÁT TRIỂN BẢN THÂN Ở CÔNG SỞ
Bánh xe cảm xúc là một biểu đồ hình bông hoa để minh họa trực quan cảm xúc của chúng ta và các mối quan hệ khác nhau xoay quanh nó. Tiến sĩ tâm lý học Robert Plutchik là người đã tạo ra một trong những phiên bản phổ biến nhất của bánh xe cảm xúc (wheel of emotion). Cũng giống như việc pha màu vậy. Mỗi loại cảm xúc mang một màu sắc khác nhau.
Theo ông có 8 loại cảm xúc chính, được sắp xếp và minh hoạ theo các cặp đối cực với nhau như sau:
- Vui vẻ đối cực với buồn bã (joy – sadness)
- Giận dữ đối cực với sợ hãi (anger – fear)
- Tin tưởng đối cực với ghê tởm (trust – disgust)
- Ngạc nhiên đối cực với mong chờ (surprise – anticipation)
1. Về màu sắc
Tám cảm xúc cơ bản bao gồm: giận dữ, mong đợi, vui vẻ, tin tưởng, sợ hãi, bất ngờ, buồn bã và chán ghét sẽ được sắp xếp thành vòng tròn theo tám màu sắc riêng biệt.
Nhà trị liệu Genesis Espinoza đã nói rằng “Cảm xúc cơ bản là những cảm xúc mà con người sinh ra đã được gắn liền với bộ não của chúng ta”. Nếu nhìn vào hình dưới đây, bạn sẽ thấy tám cảm xúc cơ bản này nằm ở vòng tròn thứ 2 của bánh xe.
2. Các sắc thái
Mức độ tăng dần của cảm xúc đi từ ngoài vào trong và biến đổi trạng thái khi chuyển đổi, ví dụ từ sadness – buồn có thể tăng lên thành grief – đau khổ. Do đó, nếu chúng ta không nhận biết và xử lý cảm xúc của mình, từ buồn ta có thể trở nên đau khổ khi nó tăng cường độ.
Và ngược lại, di chuyển ra các lớp bên ngoài, cường độ của cảm xúc giảm xuống đồng nghĩa màu sắc cũng trở nên nhạt hơn. Ví dụ, tin tưởng giảm còn chấp nhận, mong đợi giảm thành hứng thú,...
3. Về mối liên hệ của các cảm xúc
Những cảm xúc đối cực có thể được tìm thấy đối diện nhau: vui vẻ đối lập với buồn bã, mong đợi ngược lại với bất ngờ, sợ hãi là đối lập với giận dữ, chán ghét trái ngược với tin tưởng.
Mặt khác, hai cảm xúc gần nhau kết hợp sẽ tạo ra một hỗn hợp cảm xúc mới. Ví dụ, yêu mến sẽ được tạo ra từ vui vẻ và tin tưởng (joy + trust = love), tin tưởng và sợ hãi kết hợp lại tạo ra phục tùng (trust + fear = submission).
Tác dụng của bánh xe cảm xúc là hiểu rõ cảm xúc của bản thân
Đã bao giờ khi được hỏi về cảm xúc của mình, bạn chỉ có thể đáp lại gọn lỏn rằng "cũng ổn" dù trong đầu là một mớ bòng bong chưa?
Bạn có biết rằng khi một ai đó không nhận thức, và lảng tránh cảm xúc của chính mình đã được chứng minh là rất có hại cho sức khoẻ về cả thể chất lẫn tinh thần. Một nghiên cứu từ trường Đại học Y tế Công cộng Harvard và Đại học Rochester vào năm 2013 đã chỉ ra rằng, những người thường xuyên kìm nén cảm xúc của mình có nguy cơ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư lên tới 70%.
Nhà trị liệu Espinoza đã giải thích “Bánh xe cảm xúc là một công cụ tâm lý giúp các cá nhân xác định và diễn đạt những cảm xúc phức tạp bằng lời nói”.
Với những tính từ mang sắc thái đa dạng, bánh xe cảm xúc rất hữu ích trong việc giúp bạn tra duyệt các xúc cảm khác nhau để xác định đâu là điều mình đang trải nghiệm. Không những thế, nó còn giúp bóc tách những cảm xúc phức tạp thành những lớp đơn giản hơn.
Chẳng hạn, chúng ta hiếm khi nhận ra rằng chối bỏ chính là sự đan xen giữa bất ngờ và buồn bã. Nhưng đó chính là hỗn hợp cảm xúc diễn ra khi dự án mình dày công theo đuổi bỗng "đổ sông đổ bể", hoặc khi hay tin "crush" của mình thích người khác.
Sử dụng bánh xe cảm xúc như thế nào?
- Bước 0: Hiểu rõ bánh xe cảm xúc là gì. Nếu vẫn còn mơ hồ, đừng ngại trở về nội dung phía trên để ôn lại bạn nhé.
- Bước 1: Xác định 8 cảm xúc cơ bản trong vòng tròn thứ 2 và đoán định cảm xúc hiện tại của mình giống với loại nào nhất.
- Bước 2: Lấy một cảm xúc chính làm tâm, xác định các cảm xúc cụ thể liên quan (có thể có cường độ mạnh hoặc nhẹ dần) ở các cạnh phía ngoài và trong của vòng tròn
- Bước 3: Liên hệ với cảm nhận hiện tại của bản thân và định vị cảm xúc của bạn ở đâu trong số các cảm xúc bạn vừa nhìn thấy.
- Bước 4: Ghi lại cảm xúc vừa phát hiện ra nhật ký, chẳng hạn như: Sự kiện gì đã khiến bạn cảm thấy như vậy? Tần suất mà bạn trải qua cảm xúc đó? Bạn đã làm gì mỗi khi cảm xúc đó ập đến? v.v.. Chia sẻ nó với bất cứ ai nếu bạn cảm thấy cần thiết và thoải mái.
- Bước 5: Tìm ra nguyên nhân dẫn đến cảm xúc đó (nhất là đối với cảm xúc tiêu cực).
Học cách biết ơn nếu có điều gì đó làm bạn thấy vui và không để cảm xúc tiêu cực chi phối bạn.
Vòng tròn cảm xúc được tạo ra để bạn hiểu và nhận biết được, gọi tên được những cảm xúc của mình. Khi đã nhận biết rồi, bạn mới hiểu nó có thể biến đổi tích cực hay tiêu cực thế nào, với cường độ thế nào, và tương tác thế nào. Điều này sẽ giúp bạn đạt được level đầu tiên trong việc luyện EQ – nhận biết cảm xúc.
(nguồn: tổng hợp)
........................................
* Quý phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm và cần tư vấn thêm thông tin chi tiết liên quan đến tâm lý, hướng nghiệp, du học các nước, học bổng, visa,... Xin vui lòng để lại thông tin bên dưới. Các chuyên viên của KEYSKILLS sẽ liên hệ lại với quý khách trong thời gian sớm nhất.
*Địa chỉ: Lầu 5, 74C Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Quận 1
*Hotline: 096 269 1068 - 086 611 6068 (zalo/viber)
*Fanpage: KeySkills ; English for Career; Ba mẹ ơi, con chọn nghề gì? ; Cha mẹ đồng hành cùng con chọn nghề tương lai