Ngành Luật là gì? Học những gì? Gồm những chuyên ngành nào? Ra trường làm gì? Lương bao nhiêu? Có dễ xin việc không?
Tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến văn hóa, giáo dục cũng như khoa học, công nghệ, môi trường đều cần đến sự can thiệp nhất định về pháp luật. Chính vì vậy, ngành luật có cơ hội việc làm rộng mở và nhiều triển vọng nghề nghiệp trong tương lai. Nhiều bạn trẻ hiện nay quan tâm tìm hiểu đến ngành luật hơn về kiến thức được đào tạo, gồm những chuyên ngành nào cũng như các vị trí công việc có thể đảm nhận sau khi ra trường và mức lương... để làm định hướng phát triển nghể nghiệp trong tương lai. Vậy, để hiểu thêm tổng quan về ngành luật, hãy tham khảo những thông tin được tổng hợp sau đây.
Ngành Luật là gì?
Ngành luật là ngành học đào tạo kiến thức về hệ thống pháp luật bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh một loại quan hệ xã hội có cùng tính chất, nội dung thuộc một lĩnh vực đời sống xã hội nhất định. Tuỳ theo mỗi chuyên ngành đào tạo, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức khác nhau liên quan đến lĩnh vực cụ thể trong hệ thống pháp luật.
Ngành Luật học những gì
Khi theo học ngành luật, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức luật bao quát ở hầu hết các lĩnh vực. Sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức chuyên sâu về pháp luật, thực tiễn pháp lý, kiến thức về chính trị và các kiến thức về kinh tế, văn hóa, xã hội có liên quan đến lĩnh vực pháp luật.
Các môn học chuyên sâu liên quan mật thiết đến lĩnh vực pháp lý giúp người học nâng cao khả năng tư duy trong nghề nghiệp sẽ được giảng dạy như: Tâm lý học, luật hình sự, luật dân sự, luật tố tụng dân sự, luật tố tụng hình sự, tư pháp quốc tế, luật thương mại quốc tế,…
Ngoài ra, sinh viên ngành Luật còn được trang bị kỹ năng hành nghề luật để đáp ứng nhu cầu xã hội như: kỹ năng nghiên cứu, phân tích pháp luật, phân tích rủi ro pháp lý; kỹ năng đàm phán, soạn thảo hợp đồng, văn bản pháp lý,... Sinh viên còn được tạo điều kiện thực hành, kiến tập, thực tập tại các văn phòng luật, bộ phận tư vấn pháp lý tại các doanh nghiệp... để có được những kinh nghiệm nghề nghiệp thực tế. Qua đó, các bạn sẽ trở nên năng động, tự tin và dễ dàng hòa nhập với môi trường làm việc sau này.
Ngành Luật gồm những chuyên ngành nào? Ra trường làm gì?
Ngành luật sẽ có những chuyên ngành đặc thù. Tuỳ vào chuyên ngành theo học, người học sẽ được đào tạo những kiến thức về pháp lý liên quan đến lĩnh vực đó. Các chuyên ngành cụ thể của ngành Luật là
CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO | KIẾN THỨC CHUYÊN NGÀNH |
Luật hình sự | Cung cấp cho sinh viên những kiến thức thực tiễn về tư pháp hình sự với các môn học tiêu biểu như: Tội phạm học, đấu tranh phòng chống tội phạm, tâm lý học tư pháp, nghiệp vụ thư ký toà án, tâm thần học tư pháp, giám định pháp y, những vấn đề lý luận về luật hình sự và tội phạm, trách nhiệm hình sự và hình phạt, thủ tục giải quyết các vụ án hình sự, khoa học điều tra hình sự... |
Luật dân sự | Trang bị những kiến thức về chuyên ngành luật dân sự như: hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động, thừa kế, thủ tục tố tụng dân sự, luật hôn nhân gia đình, các vấn đề sở hữu công nghiệp... Các môn học tiêu biểu được giảng dạy là: luật dân sự, luật sở hữu trí tuệ, luật đất đai, luật môi trường, luật thuế, luật lao động, luật hôn nhân gia đình, luật tố tụng dân sự... Được cung cấp những kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ cho nghề nghiệp trong tương lai như: thi hành án dân sự, pháp luật thực thi quyền sở hữu trí tuệ, kỹ năng soạn thảo hợp đồng, kỹ năng giải quyết các vụ án dân sự, nghề luật sư và tư vấn pháp luật,... |
Luật hành chính | Cung cấp những kiến thức chuyên sâu về lý luận nhà nước và pháp luật; về cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; về khoa học quản lý nhà nước và điều hành công sở; về công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; về công chứng và luật sư, về cải cách nền hành chính,... |
Luật thương mại | Trang bị những kiến thức pháp luật có liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, thuế, đất đai và môi trường. Các môn học tiêu biểu được giảng dạy như: luật doanh nghiệp, luật thương mại quốc tế, luật đầu tư, luật cạnh tranh, luật phá sản... Được cung cấp các kiến thức về luật trong hoạt động kinh doanh như: luật dân sự, luật sở hữu trí tuệ, luật đất đai, luật môi trường, thuế... |
Luật quốc tế | Đào tạo 3 khối kiến thức cơ bản gồm: khối kiến thức về lĩnh vực công pháp quốc tế, khối kiến thức về lĩnh vực tư pháp quốc tế, khối kiến thức về luật so sánh và luật thương mại quốc tế. Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản liên quan đến chức năng đối ngoại của nhà nước trong quan hệ quốc tế, kỹ năng lựa chọn và vận dụng pháp luật của các quốc gia, đàm phán hợp đồng ngoại thương, giải quyết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài... |
Ngành Quản trị - Luật | Trang bị cho sinh viên những kiến thức hiện đại về kinh doanh, quản trị và luật làm nền tảng nghề nghiệp cho nhà quản trị và nhà tư vấn. Sinh viên theo học ngành này có khả năng hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp, hiểu biết các vấn đề về quản trị và các vấn đề có liên quan đến các yếu tố pháp lý... |
Tốt nghiệp ngành Luật, các bạn có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau tùy vào năng lực, bề dày kinh nghiệm cũng như những bằng cấp hay thẻ hành nghề được kèm theo. Những vị trí công việc tham khảo như là:
- Luật sư, thẩm phán, thẩm tra viên, chấp hành viên, cố vấn pháp lý, chuyên viên pháp lý, công chứng viên...
- Chuyên viên tư vấn pháp luật, chuyên viên lập pháp, hành pháp và tư pháp trong các tổ chức dịch vụ pháp luật...
- Đảm nhận công việc liên quan đến pháp lý cho các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, tổ chức kinh tế, xã hội...
Ngành Luật lương bao nhiêu?
Tuỳ theo tính chất, vị trí công việc cũng như khả năng chuyên môn và kinh nghiệm làm việc của mỗi người mà mức lương ngành luật có sự chênh lệch khác nhau. Sau đây là một số vị trí công việc với chuyên môn ngành luật và mức lương được nhà tuyển dụng đưa ra
VỊ TRÍ CÔNG VIỆC | MÔ TẢ CÔNG VIỆC | KINH NGHIỆM (NĂM) | MỨC LƯƠNG (ĐỒNG/THÁNG) |
Công chứng viên | + Tư vấn, tiếp nhận hồ sơ công chứng + Soạn thảo văn bản công chứng + Tư vấn hồ sơ công chứng theo yêu cầu của khách hàng + Ký hồ sơ trực tiếp | +2 | 10.000.000 - 12.000.000 |
Chuyên viên pháp lý | + Tham gia soạn thảo, soát xét về vấn đề thủ tục pháp lý của công ty + Tham gia soạn thảo, kiểm tra tính phù hợp các văn bản nội bộ, các hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư + Giám sát việc tuân thủ các văn bản nội bộ và các quy định pháp luật; Cập nhật các văn bản pháp luật mới ban hành + Đại diện công ty làm việc với các cơ quan hữu quan và tham gia tố tụng khi có yêu cầu + Giải quyết các khiếu nại, tranh chấp thương mại phát sinh, tham gia tranh tụng để bảo vệ quyền lợi cho công ty và làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền... | 2 - 5 | 10.000.000 - 15.000.000 |
Tư vấn pháp lý | + Tư vấn pháp luật trực tiếp cho khách hàng + Soạn thảo, review hợp đồng và các văn bản pháp lý + Tham gia tố tụng trong vụ án dân sự, hành chính + Thực hiện các dịch vụ pháp lý khác | +3 | 13.000.000 - 17.000.000 |
Kiểm sát viên/Công tố viên | + Điều tra, truy tố và buộc tội kẻ phạm pháp trong các vụ án hình sự và phiên tòa xét xử + Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát | +3 | Theo quy định bậc lương của nhà nước |
Luật sư | + Trực tiếp làm việc, tiếp nhận hồ sơ và yêu cầu của khách hàng + Nghiên cứu hồ sơ và pháp luật để tư vấn bảo vệ quyền lợi cho khách hàng + Tư vấn và hỗ trợ khách hàng soạn thảo hồ sơ khởi kiện, công văn, giấy tờ trao đổi giữa khách hàng, các bên và các cơ quan có liên quan + Thay mặt và/hoặc cùng với khách hàng tham dự các buổi làm việc với các bên và cơ quan có liên quan phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng + Đại diện bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong các giai đoạn tố tụng tại Tòa án và Trọng tài | +3 | 20.000.000 - 30.000.000 |
Ngành Luật có dễ xin việc không?
Cơ hội việc làm ngành luật cũng giống như các ngành nghề khác, có nhiều người tìm được công việc ổn định với mức thu nhập tương xứng, nhưng cũng lại có không ít người chưa tìm kiếm được vị trí công việc phù hợp. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế hội nhập, công nghệ hiện đại, nhu cầu phát triển kinh tế và mở rộng doanh nghiệp ngày càng tăng nên cũng mở rộng cơ hội việc làm dành cho ngành luật.
Ngành luật tốt nghiệp không chỉ để làm luật sư, chỉ làm việc tại toà án, mà bạn còn có thể làm việc và công tác tại nhiều nơi, nhiều bộ phận cơ quan khác nhau, kể cả các cơ quan công an. Hoặc bạn cũng có thể xin vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các công ty với vai trò là một chuyên viên pháp lý, hay cố vấn pháp lý cho các ban lãnh đạo.
Thực chất vấn đề xin việc làm dễ hay không, không chỉ phụ thuộc vào ngành học, nhu cầu xã hội, bằng cấp được đào tạo, mà nó phụ thuộc chủ yếu vào chính khả năng, kiến thức chuyên môn, các kỹ năng và bản lĩnh nghề của chính bạn. Việc học luật tại trường chính là nền tảng để bạn có thể phát triển sự nghiệp sau này, nhưng bên cạnh đó, bạn cần phải trau dồi hơn những kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết, bổ sung thêm nhiều kiến thức chuyên môn hỗ trợ cho ngành nghề của mình.
XEM THÊM CÁC THÔNG TIN LIÊN QUAN KHÁC TẠI ĐÂY
2. Ngành Bảo Mật Thông Tin Và Những Cơ Hội Việc Làm Đầy Hấp Dẫn
........................................
* Quý phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm và cần tư vấn thêm thông tin chi tiết liên quan đến tâm lý, hướng nghiệp, du học các nước, học bổng, visa,... Xin vui lòng để lại thông tin bên dưới. Các chuyên viên của KEYSKILLS sẽ liên hệ lại với quý khách trong thời gian sớm nhất.
*Địa chỉ: Lầu 5, 74C Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Quận 1
*Hotline: 096 269 1068 - 086 611 6068 (zalo/viber)
*Fanpage: KeySkills ; English for Career; Ba mẹ ơi, con chọn nghề gì? ; Cha mẹ đồng hành cùng con chọn nghề tương lai