Nếu hôm nay con có một ngày không vui ở trường và đem theo buồn bực về nhà, ba mẹ sẽ ứng xử như thế nào
Liệu ba mẹ có trách mắng con vì lầm lì nhăn nhó, có bắt con “tươi lên, cười lên”
Hay ba mẹ sẽ lắng nghe con, gợi mở cho con chia sẻ cảm xúc của mình? Làm cách nào để đối diện với cảm xúc tiêu cực từ con mà mình không bị “lây”
Hy vọng bài viết sau đây sẽ giúp ích cho ba mẹ. Khi con mở cửa bước vào với tâm trạng bực bội, đây là những cách mà ba mẹ có thể làm.
Nhìn nhận cảm xúc của con, nhưng không chịu trách nhiệm về những cảm xúc ấy
Một số người lầm tưởng chia sẻ cảm xúc tiêu cực là trút buồn bực vào những người thân yêu. Thực ra hai việc ấy không giống nhau. Khi ba mẹ kể lại câu chuyện vì sao hôm nay mình không vui ở công ty và mọi người cùng lắng nghe, đấy là chúng ta đang chia sẻ. Khi chúng ta gắt gỏng vô cớ, đá thúng đụng nia, đấy là bạn đang trút sự bực tức của mình lên mọi người.
Vì vậy, cũng giống như ba mẹ, khi con đang buồn bực, bạn có thể nhìn nhận cảm xúc của con và cho con biết bạn sẵn sàng lắng nghe con chia sẻ. Bạn có thể nói “Con đang buồn/giận à? Hôm nay có chuyện không vui hả? Vào tắm rửa thay đồ rồi kể ba/mẹ nghe. Ba/mẹ sẵn sàng lắng nghe con.”
Biết tạo giới hạn khi con gắt gỏng, quăng ném đồ đạc “Ba/mẹ biết con đang giận. Nhưng con không được quăng ném đồ đạc/gắt gỏng với ba mẹ như vậy. Ba/mẹ đâu có lỗi trong chuyện này. Con hãy đi tắm rửa thay đồ rồi ra kể ba/mẹ nghe. Con càng vùng vằng lâu càng khó chịu đấy. Đi tắm nhanh đi, con sẽ thấy dễ chịu hơn.” Trạng thái cơ thể cũng góp phần làm tâm trạng khó chịu, vì vậy hãy khuyến khích con tắm rửa, thay quần áo để tâm trạng thoải mái hơn.
Lắng nghe không phán xét
Khi con kể chuyện, hãy hoàn toàn tập trung hiện diện bên con, lắng nghe, và khoan phán xét. Đây là một kỹ năng cần tập luyện, bởi lắng nghe, phân tích, đáp trả đã là chuỗi phản xạ quá quen thuộc rồi. Bạn có thể tưởng tượng mình là một chiếc máy ghi âm đang thu lại tất cả những điều con nói, quan trọng nhất là phải thu vào câu chuyện trước đã, phân tích và phán xét đúng sai để sau. Có thể chỉ cần được lắng nghe trọn vẹn thôi là con đã cảm thấy được chia sẻ rất nhiều.
Tôn trọng cảm xúc của con
- Hãy tôn trọng cảm xúc của con, giận là giận, buồn là buồn, ganh tỵ là ganh tỵ.
- Đừng bắt con phải cảm thấy khác đi, phải thay đổi cảm xúc của mình hoặc cho rằng cảm xúc của con là không đáng.
- Đừng nói những câu như “có vậy mà cũng buồn”, “đáng gì đâu mà con giận” hay “thôi quên đi!”.
-Thay vào đó, hãy nói “ừ, hẳn là con phải giận lắm”, “nếu là ba/mẹ, chắc ba/mẹ cũng buồn”, “ba/mẹ có thể hình dung là con cảm thấy như thế nào”.
Một số ba mẹ không muốn thừa nhận cảm xúc tiêu cực của con vì sợ con làm quá lên hay ngập chìm trong nỗi buồn giận, nhưng thực ra khi bạn tìm cách phủ nhận hoặc đè nén những cảm xúc tiêu cực đó, chúng sẽ càng bùng phát lên để chứng tỏ sự hiện diện của mình. Hoặc khi con không được thừa nhận cảm xúc, con sẽ cứ suy nghĩ về nó mãi dẫn đến nỗi buồn giận không tiêu tan đi được.
Thông cảm, không thương hại
Hãy thông cảm với nỗi buồn giận của con, cho con biết rằng việc con trải qua những chuyện đó, có những cảm xúc đó là bình thường, là không có gì sai, ba mẹ có thể chia sẻ chuyện của mình nếu đã từng có trải nghiệm tương tự như con.
Tuy nhiên hãy hạn chế và cẩn thận khi đổ lỗi cho hoàn cảnh hay những người xung quanh, khiến con cảm thấy mình là nạn nhân duy nhất, mình thật đáng thương hại và mọi việc chỉ có thể tốt lên nếu mình được ở trong một hoàn cảnh khác hoặc hoàn cảnh của mình tự nhiên thay đổi.
Ví dụ, “thầy đó thật bất công! Mọi chuyện là tại thầy ấy cả.” Đặc biệt, không nên dùng “quyền lực phụ huynh” can thiệp vào tình huống thay con, như “con có muốn đổi lớp không?” hoặc “ba sẽ nói chuyện với thầy!”.
Nếu ba mẹ thấy tình huống đặc biệt nghiêm trọng phải can thiệp, hãy hỏi ý kiến của con hoặc ít nhất thông báo cho con biết là sẽ có hành động của mình.
Đối diện với cảm xúc tiêu cực của người khác không dễ, nhất là sau một ngày làm việc dài về nhà bạn chỉ mong được nghỉ ngơi. Nhưng hãy vì lòng yêu thương con mà kiên nhẫn và điềm tĩnh hơn một chút, cho con làm chỗ dựa chia sẻ một ngày buồn bực. Nếu làm được điều này thường xuyên, bạn sẽ không sợ con giấu diếm mình điều gì bởi con tin tưởng bạn là chỗ lắng nghe tuyệt vời để kể hết mọi điều tốt xấu.
(St)
Best,
Nga Tran
........................................
* Quý phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm và cần tư vấn thêm thông tin chi tiết liên quan đến tâm lý, hướng nghiệp, du học các nước, học bổng, visa,... Xin vui lòng để lại thông tin bên dưới. Các chuyên viên của KEYSKILLS sẽ liên hệ lại với quý khách trong thời gian sớm nhất.
*Địa chỉ: Lầu 5, 74C Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Quận 1
*Hotline: 096 269 1068 - 086 611 6068 (zalo/viber)
*Fanpage: KeySkills ; English for Career; Ba mẹ ơi, con chọn nghề gì? ; Cha mẹ đồng hành cùng con chọn nghề tương lai