Tháng 4 thường là hạn chót để nộp đơn cho kỳ thi tuyển Cao đẳng và Đại học hàng năm. Mỗi năm vào thời điểm này rất nhiều em gửi thư riêng cho chúng tôi hỏi về việc chọn ngành và chọn nghề, mà chúng tôi không có giờ để trả lời riêng cho từng em. Nên chúng tôi viết bài này với hy vọng giúp các em trong quyết định lần này.
Chúng tôi sẽ không cho các em câu trả lời. Và chúng tôi đề nghị các em đừng tìm ai cho mình câu trả lời. Các em hãy tự tìm ra câu trả lời lấy bằng cách sử dụng các dụng cụ hay hướng dẫn trong bài viết này. Chúng tôi đoan chắc rằng khi các em làm hết các bước dưới đây một cách nghiêm túc, các em sẽ tìm ra được một câu trả lời cho bản thân – có thể không hoàn toàn phù hợp 100% như ý, nhưng ít ra là chắc chắn hơn một lời đoán đại hay nhắm mắt điền đại vào đơn thi.
Hãy nhớ rằng điều quan trọng nhất là tìm hiểu kỹ, nhưng đừng để việc quá nhiều thông tin làm các em bị loạn, rồi không quyết định được. Hãy nhớ rằng các em là người phải sống với quyết định của mình mỗi ngày. Các em là người sẽ học ngành mình chọn, tới trường mình chọn. Do đó, các em đọc thật kỹ bài viết này, làm theo từng bước, và quyết định với sự rõ ràng, có mục tiêu, và nhớ thảo luận với cha mẹ không phải để theo ý cha mẹ cho khoẻ, mà để cha mẹ hiểu quá trình các em đưa ra quyết định. Cuối cùng, nếu chọn lựa không được 100% như mình muốn thì cũng không sao cả các em nhé, vì hướng nghiệp là một cuộc hành trình mà rất nhiều lúc em chỉ biết được phía trước nếu tập trung cao độ vào thời điểm hiện tại. Hãy làm thật tốt những việc em có thể làm ở thời điểm hiện tại, rồi tương lai sẽ ổn thôi các em nhé.
Bài viết này chia làm 4 bước:
Bước 1: Tìm hiểu bản thân
Bước 2: Tìm hiểu thị trường đào tạo (tìm hiểu về trường, ngành học sau THPT)
Bước 3: Tìm hiểu thị trường lao động (việc làm)
Bước 4a: Quyết định hướng đi sau THPT.
Bước 4b: Điền nguyện vọng trong hồ sơ thi THPT Quốc Gia
Để hỗ trợ các em hiệu quả hơn, chúng tôi làm sẵn biểu mẫu ở bên dưới. Các em có thể tải về và điền trực tiếp hoặc in ra giấy, theo dõi các bước và dùng biểu mẫu ghi chú lại các thông tin trong quá trình thực hiện nhé.
Điền biểu mẫu tại đây
Bước 1: Tìm hiểu bản thân
Ở bước này, chúng tôi lại chia thành 3 phần nhỏ:
a. Sở thích và khả năng tự nhiên.
b. Học lực.
c. Các yếu tố gia đình, kinh tế, xã hội.
Có thể sẽ nhiều khó khăn nếu lần đầu tiên em làm bước này, nhưng chúng tôi tin rằng, bước này là bước quan trọng nhất, cũng như cần đầu tư nhất (cả về công sức lẫn thời gian); và bước này không chỉ có giá trị trong việc chọn trường – chọn ngành mà còn cho sự lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
a. Sở thích và khả năng tự nhiên
Đầu tiên các em phải hiểu mình có những đặc điểm về sở thích và khả năng tự nhiên nào. Khi hiểu những đặc điểm này, các em sẽ dễ dàng nối chúng vào một ngành đào tạo ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, hay chương trình dạy nghề phù hợp.
1. Các em hãy liệt kê 06 nhóm sở thích/khả năng tự nhiên theo Holland ra giấy và ghi lại các đặc điểm của 06 nhóm này. Các em có thể đọc thêm các bài viết về 06 nhóm Holland tại
2. Tại mỗi nhóm, các em nhớ lại xem từ nhỏ đến giờ, mình thích/có khả năng/mong muốn làm những điều gì phù hợp với nhóm đó. Cố gắng liệt kê càng nhiều càng tốt!
3. Các em nhìn lại những điều mình ghi chép và sắp xếp lại theo thứ tự từ nhóm mình phù hợp nhất đến nhóm mình không phù hợp nhất.
4. Nếu chưa yên tâm, các em có thể làm thêm một bài trắc nghiệm trên trang https://bit.ly/tracnghiemholland14t hoặc https://bit.ly/tracnghiemholland-keyskills (bản pdf)
5. Các em có thể làm trực tuyến, hoặc tải bảng giấy về và làm.
Lưu ý: bài trắc nghiệm này chỉ dùng để THAM KHẢO và giúp các em XÁC NHẬN LẠI nhóm sở thích/khả năng tự nhiên đã chọn ở trên.
6. Với những ai có thời gian, chúng tôi đề nghị các em nên tham quan một vài trung tâm hay tham gia một số chương trình đào tạo/hoạt động của các ngành nghề mà các em chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều trong môi trường giáo dục hàng ngày, ví dụ như các ngành về sáng tạo (thiết kế nội thất, nhiếp ảnh,…) hay các ngành về giúp đỡ (giáo viên, chuyên viên tư vấn tâm lý, công tác xã hội,…), để hiểu thêm về nhóm sở thích/khả năng thuộc ngành này. Như vậy, các em có thêm cơ sở để xác định mình có thật sự thuộc nhóm ấy hay không.
7. Chọn 2-3 nhóm phù hợp nhất để làm nền tảng cho các bước tiếp theo. (Nếu kết quả bài trắc nghiệm không giống lắm so với điều các em làm ở mục số (4); em sẽ tự quyết định 2-3 nhóm phù hợp cho mình dựa trên sự tự đánh giá bản thân).
b. Học lực
Các em học trường điểm hay trường thường, thuộc loại xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, hay yếu? Phải biết rõ mình đang ở mức nào. Đây không phải là lúc xấu hổ. Học yếu chẳng có gì xấu hổ cả. Nhưng học yếu mà cứ giấu đi, không đối diện với bản thân, rồi chọn đại một trường có tên tuổi thi cho oai thì sẽ tốn tiền và thời gian của mình, cha mẹ và xã hội. Hệ thống giáo dục các em đang học không khuyến khích những môn sáng tạo như nhạc, họa hay môn kỹ thuật như thể thao, sửa chữa, hoặc các môn kinh tế như marketing, kế toán, … do đó em học yếu văn hoá không có nghĩa là em không có khả năng gì cả. Vậy, hãy tự đối diện với mình xem trình độ học của mình tới đâu. Đây là điểm quan trọng trong việc chọn trường thi.
• Điểm trung bình 2 học kỳ gần nhất của các em là bao nhiêu?
• Các em có bao nhiêu % chắc chắn về việc đậu tốt nghiệp THPT? Điều này sẽ cho các em biết nên đặt mục tiêu Đại học/Cao đẳng/Trung cấp/học nghề ở các bước sau.
• 4 hoặc 5 môn học mà các em tự tin nhất là gì (bao gồm các môn học chính khóa ở trường phổ thông và cả các môn năng khiếu như lập trình, thể thao, vẽ, thanh nhạc, nhạc cụ, diễn xuất…các chứng chỉ anh văn IELTS; TOEFL…). Các môn này có thể tổ hợp thành các khối thi nào?
• Tìm nguồn tham khảo từ các anh chị khóa trước trong trường (tốt nhất là 3 năm gần nhất). Hãy đặt câu hỏi cho các anh chị:
- Năm thi đại học của anh/chị?
- Năm đó điểm thi quốc gia 06 môn của các anh chị là bao nhiêu cho mỗi môn? Các anh chị chọn môn nào để xét tuyển đại học?
- Điểm trung bình năm 12 các môn xét tuyển thi đại học của anh chị là bao nhiêu?
Tùy mỗi năm đề thi sẽ dễ hoặc khó, các em nên tìm hiểu 2-3 năm, tính trung bình, các em sẽ biết được điểm lệch giữa việc học trong trường và việc thi quốc gia của trường các em, từ đó dự đoán cho trình độ của các em.
c. Yếu tố gia đình, xã hội, kinh tế
Riêng phần này chúng tôi sẽ không chia phiên bản 1 hay 2, chúng tôi nghĩ rằng mỗi học sinh sẽ có điều kiện gia đình, môi trường sống, phong cách sống khác nhau. Các em phải ngồi xuống với cha mẹ hoặc người giám hộ của mình để nói chuyện với nhau và trả lời được những câu hỏi rất quan trọng sau:
• Gia đình các em có cho các em quyền quyết định hay không?
• Ai ảnh hưởng các em nhất trong nhà?
• Kinh tế gia đình các em cho phép các em học tới đâu, ở nơi nào? (hoặc cụ thể hơn là các em được phép tìm trường với học phí bao nhiêu 1 học kỳ? Sinh hoạt phí 1 tháng thế nào? Có được học ở tỉnh/thành khác không? Các phương án để giải quyết việc học xa nhà là gì? Phương tiện di chuyển là gì? (có nhiều em học trong cùng tỉnh, thành, nhưng trường cách nhà gần 20km, lúc đó mình di chuyển bằng phương tiện gì và mất bao lâu?, v.v…)
Các em phải rõ những điều này để đưa ra quyết định phù hợp.
Đôi khi ngành các em chọn chỉ là ngành phù hợp với bản thân các em thứ 2 hay thứ 3 mà thôi (theo hai tiêu chí thích và giỏi), nhưng vì cha mẹ các em muốn các em theo, nên khi chọn nó các em sẽ dễ chịu hơn (gia đình yên tĩnh, bình an không áp lực mỗi ngày phải đối diện với sự lo lắng của cha mẹ). Vậy thì các em sẽ làm gì với chọn lựa 1 của các em? Hoàn toàn bỏ nó chăng? Thật ra không học được cái mình phù hợp (thích và giỏi) nhất cũng không hẳn là hết hy vọng, vì trong lúc ở trung cấp/cao đẳng/đại học, ngoài giờ học các em có thể tham gia các hoạt động ngoài giờ, từ thiện, làm thêm, câu lạc bộ, v.v… để theo đuổi thứ mình thích. Như vậy các em sẽ tăng thêm kỹ năng, kiến thức, và cũng tạo thêm nhiều mối quan hệ cho cơ hội việc làm sau này.
Vì vậy, nếu phải quyết định theo chọn lựa 2, thì các em đừng bỏ quên chọn lựa 1 hoàn toàn mà hãy trải nghiệm và học hỏi thêm về nó trong những hoạt động thiện nguyện, ngoài giờ các em nhé.
Bước 2: Tìm hiểu thị trường đào tạo
Bây giờ các em đã biết mình thuộc nhóm sở thích gì rồi, học lực ra sao rồi, hoàn cảnh bản thân rồi, vậy các em phải tìm hiểu thị trường đào tạo. Đầu tiên là ngành học, sau đó là trường (cơ sở hoặc nơi đào tạo).
Ở bước này, phiên bản rút gọn và phiên bản đầy đủ có cách làm giống nhau. Nếu các em có nhiều thời gian hơn thì sẽ tìm hiểu số ngành học và trường (cơ sở hoặc nơi đào tạo) nhiều hơn (có thể gấp đôi, gấp ba) so với việc tìm kiếm gấp rút.
a. Ngành đào tạo
Thông thường ngành đào tạo sẽ có sự liên hệ rất chặt chẽ với nhóm sở thích và khả năng tự nhiên của các em (kết quả trắc nghiệm từ bước 1a ở trên). Sau khi đã có kết quả trắc nghiệm, khi đọc các tên ngành, sau đó đọc các môn học trong ngành, thông thường các em sẽ “cảm” được mình hợp với ngành nào (hay nhóm ngành nào hơn). Đây là bước đầu. Nhưng “cảm” không chưa đủ, các em phải dùng thêm “lý trí” để chắc chắn rằng quyết định của mình khoa học và dựa trên sự tìm hiểu, nghiên cứu nhé.
Hãy làm như sau:
1. Các em vào trang http://www.thongtintuyensinh.vn/
2. Vào phần chương trình đào tạo: http://bit.ly/ctdaotao
3. Xem các ngành đào tạo:
• Đại học: http://bit.ly/daotaodaihoc.
• Cao đẳng – trung cấp (đặc biệt khuyến khích tìm hiểu sâu nếu em không chắc chắn đậu tốt nghiệp hoặc gia đình không đủ điều kiện hỗ trợ 4 năm học đại học) http://bit.ly/DaotaoCaodang.
• Sơ cấp (được đào tạo tại các cơ sở dạy nghề/làm nghề).
Lưu ý: trong trường hợp các đường dẫn đến trang web ở trên bị lỗi khi nhấp vào, hãy sao chép đường dẫn và dán vào 1 cửa sổ mới.
4. Kéo chuột xuống, đọc thật kỹ danh sách rồi chọn ra 3-5 tên ngành mình thích. Sau đó đọc kỹ chi tiết về các ngành, các môn học trong các ngành ấy và đối chiếu với bản thân, tự hỏi xem “mình có thích học ngành này không – đủ thích để học trong 3-4 năm tới mỗi ngày hay không?”, rồi hỏi “mình có khả năng để học tốt ngành này không?”. Sau đó chọn ra 1 hoặc 2 ngành.
5. Có một số công việc không có ngành đào tạo (công việc chúng tôi thường được các em học sinh hỏi nhất mà không có ngành đào tạo là Tiếp viên hàng không), chúng tôi sẽ hướng dẫn tìm kiếm trong một bài viết khác.
b. Trường đào tạo (Cơ sở hoặc nơi đào tạo)
1. Dùng tên ngành các em vừa tìm được ở trên và tìm kiếm trên internet.
• Từ khóa tìm kiếm trên công cụ google.com có thể là: “Trường đại học đào tạo ngành…” hoặc “Trường cao đẳng đào tạo ngành…” hoặc “học ngành … ở trường nào tốt?”.
• Các em nên tìm được cho mỗi ngành, ở mỗi bậc học (đại học/cao đẳng/trung cấp) ít nhất 3 trường; tốt nhất nên có trên 5 trường để chọn lựa.
2. Hoàn thành việc tìm hiểu thông tin của các trường
• Trang web chính thức của trường (tìm bằng google.com); phần quan trọng nhất nên đọc là mục “Tuyển sinh”.
• Sử dụng google.com hiệu quả (vd: Học phí năm học 2020 của trường….; các bài báo liên quan đến trường; các hoạt động nghiên cứu khoa học, xếp hạng quốc tế – rất quan trọng nếu là trường Đại học liên quan đến khoa học – kỹ thuật)
• “Nằm vùng” trong các trang confession của trường đó (tìm trên facebook: tên trường + confession)
• Hỏi trực tiếp sinh viên của trường (quen biết trực tiếp, được giới thiệu trong nhóm cựu học sinh trường mình, hỏi trong confession,…)
Nhớ xem thật kỹ thông tin từng trường các em nhé; quan trọng là chất lượng giảng dạy ở đấy cho ngành các em đang thích.
Lưu ý, các em đừng nên chọn một nơi chỉ vì đó là ‘đại học’ nhé. Có rất nhiều trường cao đẳng hay trung cấp đào tạo chất lượng rất tốt. Có các trường nghề bên ngoài đào tạo nhân viên ra trường được đánh giá cao (ví dụ như Saigon Tourist hay KOTO). Tương tự vậy, không phải trường đại học nào cũng tốt hơn trường cao đẳng.
Cũng không phải trường tốt thì ngành đào tạo nào cũng chất lượng. Có trường chỉ nổi bật 1 hay 2 ngành thôi. Để biết được chất lượng, các em chịu khó vào google để tìm diễn đàn trường ấy, đọc xem sinh viên đang học nói gì về trường. Ở những diễn đàn confession thường các sinh viên rất thật thà trong việc nêu ra ý kiến tiêu cực của mình vì nặc danh, nên phải cẩn thận là không tin hết các em nhé. Đọc để tham khảo thôi vì mạng xã hội thì không đúng 100% đâu. Các em đọc các bài báo về trường hay xem phim về trường, nếu được hãy tự đến thăm trường luôn. Cần thật cẩn thận khi tìm hiểu trường, cứ như tìm hiểu bạn bè vậy đó. Bề ngoài hay tên tuổi không nói lên nhiều; thực lực đôi khi nằm rất sâu bên trong và cần các em đi thực tế mới hiểu rõ.
Bước 3: Tìm hiểu thị trường lao động (việc làm)
Đầu tiên các em đọc kỹ phần “Kết nối giữa mật mã Holland với các ngành nghề” tại đường dẫn (https://keyskills.edu.vn/blogs/dinh-huong-nghe-nghiep) để tăng kiến thức về những nhóm ngành nghề mình có thể phù hợp. Trang này vẫn đang được cập nhật thường xuyên nên thỉnh thoảng các em vào thăm để xem thông tin nghề nghiệp mới nhé. Chú ý rằng nếu sau khi tìm hiểu, các em thấy có ít nhất là 10 nghề nghiệp phù hợp với bản thân, thì đây là điều bình thường. Đừng hoang mang hay lo sợ các em nhé, vì thế giới nghề nghiệp thời hậu hiện đại của các em có rất nhiều lựa chọn. Đó là lý do vì sao em phải hiểu mình, hiểu thế giới nghề nghiệp, rồi sau đó chọn với tâm thế là trong tương lai mình có thể thay đổi lựa chọn
Danh sách này ngày sẽ một dài hơn nhờ sự đóng góp từ các anh chị chuyên gia, chuyên viên, nhân viên tại Việt Nam. Một kênh tài nguyên khác các em có thể tìm hiểu là trang dự báo nhân lực http://dubaonhanluchcmc.gov.vn/. Hãy vào thăm trang này để tăng kiến thức cơ bản về thị trường tuyển dụng trong nước nhé.
Đọc kỹ các em sẽ thấy nhiều công ty cần tay nghề giỏi, không cần phải là bằng đại học hay cao đẳng. Nhà tuyển dụng luôn tuyên bố cần người lao động có kỹ năng chuyên môn giỏi, tay nghề giỏi, nếu có ngoại ngữ và các năng lực khác như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng làm việc nhóm, v.v… thì dễ thăng tiến. Do đó, hãy tự hỏi bản thân, “Mình muốn học đại học vì không biết phải làm gì, hay vì mình có một mục tiêu rõ ràng?” Không cần biết các em học ở đâu, miễn các em có mục tiêu thì em sẽ thành công. Và không cần biết các em tốt nghiệp từ ngành gì, nếu các em có được những năng lực hành nghề mà các công ty cần, các em sẽ tìm được việc làm tốt.
Để có được việc làm sau khi tốt nghiệp một chương trình đào tạo, các em phải rất năng động trong lúc học. Không chỉ học từ thầy cô trong lớp, mà còn học từ bạn bè và xã hội ngoài lớp học nữa. Các em nên tham gia công tác đoàn thể, từ thiện, thể thao, câu lạc bộ. Đồng thời ít chơi game và dùng facebook lại để có thời gian ra ngoài giao lưu và tham gia hoạt động xã hội nhé. Đó là cách tốt nhất để chuẩn bị cho khả năng được tuyển dụng sau này.
Để tìm hiểu thêm xem bản thân mình có thực sự thích ngành nào không, cách tốt nhất là gặp người đang học hay làm nghề ấy để tìm hiểu. Khi đi gặp những người đang làm trong nghề, các em có thể dùng bản câu hỏi ở link sau, http://bit.ly/cauhoipvnn.
Cách thứ hai là qua tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Ví dụ, nếu thích ngành kinh tế tài chính thì đọc báo http://nhipcaudautu.vn/; nếu đọc mà thấy buồn ngủ thì phải xem lại là mình thích ngành này thật không hay do ai ảnh hưởng. Nếu thích ngành xã hội và thiết kế mà sợ không kiếm ra tiền thì vào trang www.vietnamworks.com hay http://bit.ly/adecco2019 (ở đường dẫn này các em phải để lại tên và email thì họ mới gửi thông tin về cho các em) để tìm hiểu xem các ngành xã hội và thiết kế ra trường sẽ làm việc ở lĩnh vực nào. Các em sẽ rất ngạc nhiên khi thấy các ngành này không nghèo đâu nhé.
Bước 4a: Quyết định hướng đi sau THPT
Sau các bước tìm hiểu ở phía trên, đây là lúc các em cân nhắc và quyết định hướng đi phù hợp cho bản thân sau THPT. Nếu các em tự tin mình học tốt ở Đại học:
• Chọn ngành và chọn trường đại học các em ước mơ vào nhất (bỏ qua học lực: có nghĩa là dù em học rất yếu, nhưng ước mơ vào trường có yêu cầu rất cao thì vẫn chọn nhé) => trường (1)
• Chọn ngành và chọn trường đại học các em dự đoán mình có khả năng vào (lúc này phải thành thật với bản thân nhé) => trường (2)
• Chọn các ngành và các trường đại học sao cho dưới mức trường (1) và trên mức trường (2), theo kinh nghiệm của chúng tôi thì 1, 2 trường là đủ.
• Chọn các ngành và các trường đại học sao cho dưới mức trường (2), theo kinh nghiệm của chúng tôi thì các em nên chọn 2, 3 trường với yêu cầu đầu vào giảm dần nhưng vẫn trên mức Cao đẳng.
• Làm tiếp mục Cao đẳng như một phương án dự phòng.
(Nếu các em chọn ngành sư phạm thì phải chọn tiếp Cao đẳng sư phạm hay Trung cấp sư phạm ở đây luôn).
Lưu ý: chỉ sử dụng kênh thông tin chính thức của Bộ Giáo Dục là thituyensinh.vn hoặc trang web chính thức của trường để chuẩn bị các thông tin thi THPT Quốc Gia.
Nếu em không tự tin về khả năng đậu đại học, hoặc những hướng học sâu như trên đại học thì:
• Chọn ngành và chọn trường đại học các em ước mơ vào nhất (bỏ qua học lực) => trường (1)
• Chọn ngành và chọn 2 trường cao đẳng các em mong muốn vào. (Lưu ý: chỉ cần đậu tốt nghiệp, các em nộp hồ sơ là sẽ chắc chắn được học cao đẳng.)
Nếu các em nghĩ rằng mình có khả năng rớt tốt nghiệp:
• Chọn ngành và chọn trường cao đẳng (có hệ 9+) hoặc trung cấp các em mong muốn vào.
***Cao đẳng có hệ 9+ có nghĩa là các em chỉ cần có bằng tốt nghiệp THCS (cấp 2) – dù có rớt tốt nghiệp THPT, các em vẫn có thể học trường cao đẳng đó. Các em có thể hỏi thêm thông tin tuyển sinh tại trường cao đẳng nhé.
Sau khi đã ghi ra hết các phương án, nếu cần thiết, các em hãy dành thời gian ngồi lại với gia đình, chia sẻ con đường sắp tới của các em, xin cha/mẹ xác nhận là có thể hỗ trợ các em, đồng thời an tâm với con đường các em lựa chọn sắp tới. Nghe có vẻ nghiêm trọng quá, nhưng chúng tôi đã gặp những trường hợp tâm sự với chúng tôi rằng các em đã đậu vào trường đại học mơ ước, nhưng cha mẹ hoàn toàn không đủ khả năng để có thể hỗ trợ các em đóng học phí (các em cứ TƯỞNG rằng cha mẹ có thể lo được), và các em đã phải xuống học cao đẳng trong nước mắt.
Bước 4b: Điền nguyện vọng trong hồ sơ thi THPT Quốc gia
Chúng tôi dựa trên kỳ thi năm 2019 để giúp các em chuẩn bị trước, vì chúng tôi đã gặp rất rất nhiều tình trạng đặt nguyện vọng sai 1 ly, đi 1 dặm để rồi có kết quả rớt đại học rất đau đớn. Một số đề xuất của chúng tôi như sau:
1. Nếu các em CHẮC CHẮN 120% sẽ không học đại học, thì hãy bỏ trống khu vực điền nguyện vọng. Nếu vẫn có 1 tia do dự, hoặc thậm chí trường đại học các em muốn vào không dùng kết quả THPT Quốc gia thì cũng đừng tiếc 30.000đ (mức phí 2019) để đăng ký 1 nguyện vọng (NV) bất kỳ, trường nào cũng được, ngành nào cũng được. Với 1 NV này các em sẽ có thêm cơ hội để chỉnh sửa sau khi biết điểm thi. Nếu không có NV này, dù các em thi được điểm cao thế nào đi nữa cũng không thể điều chỉnh NV.
2. Các em mơ ước học ở đâu, ngành nào nhất thì bắt buộc phải để trường – ngành mơ ước đó ở NV số 1.
3. Các NV tiếp theo điểm chuẩn nên giảm dần (thường cách nhau khoảng 1-1,5 điểm).
4. Nếu gặp trường hợp phân vân giữa 2 trường, không biết để trường nào lên NV trên thì hãy tự hỏi mình: “Nếu tôi đậu cả 2 trường, tôi muốn học ở đâu hơn?”. Câu trả lời sẽ là trường các em đặt ở NV trên, trường kia đặt NV dưới.
5. Không nên đặt quá 10 NV, tốn tiền mà không có hiệu quả. (Dù theo nguyên tắc, các em có thể đặt bao nhiêu NV cũng được, mỗi NV là 30.000đ – chúng tôi hay nói vui “30K cho 1 ước mơ.”)
Lời kết
Nói chung, các em đừng chạy theo học các ngành “hot” mà nên học ngành nào phù hợp với sở thích và khả năng tự nhiên của bản thân, phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Nhu cầu tuyển dụng có thể thay đổi, nghĩa rằng ngành “hot” có thể thay đổi sau 1, 2 năm, nhưng khả năng và sở thích tự nhiên của ta, nếu ta biết rõ thì sẽ vững vàng. Lúc ấy, dù nhu cầu của thị trường tuyển dụng có đổi, mình vẫn có thể uyển chuyển để đáp ứng với nhu cầu mới sau này – với điều kiện ta phải giỏi chuyên môn một ngành nào đó, và ta phải có những năng lực hành nghề (hay được nhắc đến dưới những tên gọi khác là kỹ năng thiết yếu, kỹ năng mũi nhọn, kỹ năng mềm). Khi ta học một ngành vì người khác muốn ta học, vì ngành đó nổi tiếng, hay vì lý do khác, rất khó để ta học giỏi được trong ngành ấy.
Hướng nghiệp mất thật nhiều thời gian và sự chuẩn bị. Nếu các em đang ở hai tỉnh Quảng Nam và Nghệ An, thì các thầy cô ở Sở Giáo Dục, Phòng Giáo Dục và các trường phần lớn đã được tập huấn về hướng nghiệp. Các em hỏi thêm thầy cô nhé. Nếu các em ở những nơi khác, thì đọc từng bước và làm theo. Sau đó em hãy bàn với thầy cô chủ nhiệm, thầy cô phụ trách công tác hướng nghiệp trong trường, các anh chị đi trước.
Chúc các em vui và bình an.
(Nguồn tham khảo tài liệu của Cô Phoenix Ho & thầy Kiều Trí Hoà; Huongnghiepsongan)
........................................
* Quý phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm và cần tư vấn thêm thông tin chi tiết liên quan đến tâm lý, hướng nghiệp, du học các nước, học bổng, visa,... Xin vui lòng để lại thông tin bên dưới. Các chuyên viên của KEYSKILLS sẽ liên hệ lại với quý khách trong thời gian sớm nhất.
*Địa chỉ: Lầu 5, 74C Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Quận 1
*Hotline: 096 269 1068 - 086 611 6068 (zalo/viber)
*Fanpage: KeySkills ; English for Career; Ba mẹ ơi, con chọn nghề gì? ; Cha mẹ đồng hành cùng con chọn nghề tương lai